Với những giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh đặc biệt, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc. Dự án đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội và tại địa điểm này, một ngôi đền khang trang đã được dựng lên.
Công trình mới có diện tích hơn 2ha, bao gồm chính điện xây dựng trên nền cũ, cổng nghi môn, nhà tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh và một số công trình khác.
Năm 2014, tại khu vực này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng chùa Xã Tắc. Việc xây dựng chùa Xã Tắc có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân, đồng thời hoàn thiện thiết chế văn hóa đền - chùa truyền thống của người Việt.
Chùa và đền Xã Tắc là nơi linh thiêng thờ tiên tổ và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Chùa và đền Xã Tắc là nơi an quốc, định biên khẳng định vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Hội Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh chia sẻ: "Chùa Xã Tắc xây dựng theo kiến trúc điêu khắc truyền thống của người Việt hài hòa với cảnh quan đền Xã Tắc và cột mốc biên giới 1368, tạo nên không gian văn hóa tâm linh thiêng liêng".
Qua nhiều lần trùng tu, xây dựng do nhân dân từ Nam chí Bắc phát tâm công đức, đóng góp xây dựng mà thành một cụm di tích bề thế, thâm nghiêm, một nét đẹp văn hóa kiến trúc Việt Nam ở địa đầu tổ quốc. Nay cụm di tích đền, chùa Xã Tắc trở thành điểm đến tâm linh đối với nhân dân và du khách thập phương khi đặt chân tới vùng Đông Bắc Quảng Ninh.
Đây là 1 trong số 12 điểm du lịch của TP Móng Cái được người dân địa phương coi là “cột mốc văn hóa” khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Nơi đây còn ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của ông cha ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền núi sông bờ cõi; đồng thời mang đậm nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam nơi địa đầu biên cương Tổ quốc.