Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang chỉ đạo các sở ngành và 6 quận bằng mọi giá đến 30-6 phải cơ bản hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Nếu công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, đến tháng 10-2020 không giải ngân được vốn, sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng tài trợ vốn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dự án tuyến Metro số 2 mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, khả năng tiếp nhận các dự án khác của thành phố. Để làm tốt công tác cho dự án, 6 quận và các sở ngành phải phối hợp tốt, phát huy vai trò người đứng đầu, chủ động giải quyết các khó khăn trong phạm vi thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu mỗi chiều thứ sáu tuần thứ 2 trong tháng, phải tổ chức cuộc họp, bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của 6 quận, Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Sở Xây dựng phải có mặt và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cố gắng tham dự để có thể giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắt.
Liên quan đến việc cấp phép xây dựng cho các công trình liên quan hành lang bảo vệ an toàn tuyến Metro số 2 cũng như quy hoạch cao tầng, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu Sở Xây dựng phải có văn bản hướng dẫn để các quận huyện có cơ sở cấp phép cho dân sửa chữa xây dựng.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dự án tuyến Metro số 2 đi qua 6 quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tuyến có đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2km; cùng 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot… Tổng mức đầu tư dự án hơn 47.890 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ ODA từ ADB, KfW, EIB và vốn đối ứng. Tổng diện tích đất thu hồi 251.136m2 với 602 hộ bị ảnh hưởng. Hiện có 108 hộ đã nhận tiền và 53 hộ đã bàn giao mặt bằng.