Ngày 17-3, trước phản ứng việc nhiều trẻ nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán heo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sán dây, ấu trùng sán heo gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Bệnh ấu trùng sán heo do ăn phải thức ăn có nhiễm trứng sán dây heo hoặc ấu trùng sán heo (như thịt heo gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán heo sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75°C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Để biết có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán heo hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và làm các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán heo được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán heo, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; không sử dụng thịt heo ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt heo tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán heo)…
Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khẳng định, tỉnh sẽ kiên quyết không giấu giếm, làm rõ vụ việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ huynh và học sinh để sớm ổn định tình hình.
Ngành y tế Bắc Ninh đang làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế và sẽ công bố nguyên nhân chính thức dựa trên cơ sở khoa học và pháp luật. Đồng thời, xem xét tính toán hỗ trợ xét nghiệm cho toàn bộ các cháu học sinh ăn thịt heo ở những trường sử dụng thực phẩm do Công ty Hưng Thành cung cấp vào ngày 14-2 (thời điểm xuất hiện thông tin về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành).
Bí thư tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi kích động gây rối an ninh trật tự. Đồng thời, khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn trong các trường học; cung cấp, phát tán thông tin về vụ việc không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Ban An toàn thực phẩm Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, thống kê bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, tăng cường thanh kiểm tra việc tổ chức ăn bán trú tại các cơ sở này. Thời gian tới, các trường sẽ cử hội cha mẹ học sinh phối hợp tăng cường giám sát việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nhất là khâu nhập nguyên liệu.
Trong khi đó, bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho biết, những gia đình có trẻ nhỏ ở Thuận Thành sẽ không cần đưa trẻ ra Hà Nội để khám và làm xét nghiệm sán heo nữa mà ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán heo tại chỗ và hỗ trợ chi phí lấy mẫu xét nghiệm cho các trẻ ở 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành, sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện, bệnh viện đầu ngành để làm xét nghiệm.
Cùng ngày, nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở Thuận Thành tiếp tục đưa trẻ lên 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội là: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương để khám và làm xét nghiệm sán heo. Thống kê tại 2 cơ sở y tế này cho thấy, trong vòng 3 ngày qua đã tiếp nhận trên 1.500 trẻ 1 - 10 tuổi tại huyện Thuận Thành tới làm xét nghiệm sán heo, với kết quả là trên 130 trường hợp bị nhiễm sán heo. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng vì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn đang chạy kết quả hơn 500 trường hợp. Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, do phát hiện nhiều trường hợp dương tính chéo với nhiều loại ký sinh trùng khác nên ngoài sán heo, trẻ được xét nghiệm thêm sán chó, sán lá gan. Do vậy, thời gian chạy kết quả sẽ lâu hơn, dự kiến đầu tuần mới có số liệu cập nhật.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, bộ sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT trong cả nước yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm ở trường học. Đồng thời yêu cầu ngành giáo dục trong cả nước tiếp tục tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học trên địa bàn.