Trong một lần đến đây, cơn mưa chiều bất chợt đã giữ chân tôi. Trong màn mưa, “thung lũng da cam” càng trở nên yên ắng, cô đơn…
1. Với con số phơi nhiễm được ghi quá nhiều, tôi thật sự bối rối không biết sẽ tìm đến địa chỉ nào có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Loanh quanh hồi lâu, tôi quyết định đến một căn nhà ở thôn Ngọc Kinh Tây. Nhà trống trơn, không có chủ. Quờ tay, bật vội công tắc điện vì trời đã nhá nhem nhưng có lẽ bóng điện đã hỏng từ lâu nên mấy lần bật vẫn không sáng. Tôi đành ngồi đợi chủ nhà trong bóng tối giữa vùng hoang vu, vắng lặng.
Bóng một phụ nữ ốm teo, dáng đi xiêu vẹo từ ngõ đi vào. Bỏ vội nón lá trước sân, rồi chạy nhanh vào nhà, chị Lê Thị Phượng (mẹ của cháu Bùi Tấn Bảo, một nạn nhân bị phơi nhiễm da cam) thở phào: “Thường những chiều dông lớn nó hay la hét, co giật lắm. May sao chiều ni ảnh ngủ ngon lành…”. Chị nói, rồi giải thích, do lỡ tay rải phân đám ruộng lúa nên về trễ, chứ chưa lần nào nỡ để Bảo một mình trong những lúc trời mưa dông. Năm nay, Bảo đã 11 tuổi nhưng chỉ nặng 8,5kg, chân tay co quắp.
“Chị có ruộng nhiều lắm hả?”, tôi hỏi. Chị lắc đầu: “Ruộng nhà chỉ có 9 thước, thuê thêm 1 mẫu đất để gieo bắp, đậu phộng… Trồng đủ thứ, cả năm bán được 20 triệu đồng. Trả tiền đất thuê mất 10 triệu đồng, tiền phân bón, tiền giống cũng ngót hết tiền. Nhưng nhà nông không làm ruộng thì biết làm gì? Có năm được mùa, trời thương thì dư dả được dăm triệu. Còn không thì kiếm chút gạo ăn qua ngày”. Đúng như lời chị, ngoài ngôi nhà cấp bốn do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ xây tặng thì chẳng có vật gì đáng giá.
Phải mất hơn 1 giờ nhẫn nại chị mới đút xong cho Bảo hết một chén cháo. “Chắc chị mơ được ngủ trọn đêm?”. Chị cười: “Con còn sống thì thức đến trọn đời cũng được!”. Trong căn nhà mù mờ ánh sáng đèn cầy, chị ngồi âm thầm xoa bóp thân thể con. Thấy thương người đàn bà trẻ mới 40 tuổi nhưng đôi mắt đã hõm sâu vì mất ngủ. Bỗng Bảo ré to, giãy nảy, rồi quặn co người lại, thở gấp gáp. Lần đầu chứng kiến khiến tôi hoảng sợ. Chị Phượng bình tĩnh, tay trái vuốt ngực, tay phải xoa bóp liên tục hai chân, đều đặn hơn nửa giờ. Chị nói, quen rồi, đêm thường mấy bận... Rồi chị ôm gọn con vào lòng: “Nó thích vậy lắm”. Hầu hết các giác quan của Bảo gần như đã chết, không hề ý thức được bản năng muốn gì. Vậy mà trong tiềm thức, Bảo vẫn có cảm giác “thích” được mẹ âu yếm. Có lẽ từ thẳm sâu bên trong, với những đứa trẻ mang nỗi đau lớn, tình yêu vô bờ của mẹ luôn mang lại cảm giác an toàn, bình yên nhất…
2. Tôi ghé nhà bà Hồ Thị Năm (thôn Ngọc Kinh Đông) lúc gần 10 giờ đêm. Nhà bà vẫn còn thức. Thấy người lạ, cô gái trẻ, giương to mắt nhìn tôi ngờ nghệch. Em là nạn nhân chất độc da cam Bùi Thị Thúy. Nhà chỉ có một phòng và cái giường, không còn gì để quan sát. Bà Năm bảo: “Có ngủ đêm nào đâu mà còn thức với không…”. Tôi ngồi xuống nền nhà trò chuyện với bà. “Ngót 25 năm, tôi mong con hết bệnh. Ước gì nó tỉnh táo, đừng điên dại nữa để đi lấy chồng, để mình có cháu ẵm bồng cho đỡ mủi lòng với người ta”. Bà biết điều mơ ước ấy chỉ viển vông. 25 tuổi, Thúy vẫn như đứa trẻ lên 1, không biết tự ăn, không tự mặc áo quần. Thúy chỉ làm được mỗi việc, đánh… đánh và đánh. Bà Năm đưa cho tôi tờ giấy ghi: “Chấn thương phần ngực, gãy xương sườn…”. Đó là thương tích mà bà bị Thúy đánh. Hình ảnh bà Năm lội bộ hết làng trên, xóm dưới để xin lỗi vì Thúy đánh người dường như đã quen thuộc với nhiều người ở đây. Có người thương bỏ lỗi, nhiều người bực dọc thì đánh trả. Những lần vậy, bà chỉ biết dạ thưa rồi dẫn con về, ôm con khóc thầm. Bà Năm kể: “Từ lúc sinh, Thúy đã khác bọn trẻ. 1 tháng mới chịu mở mắt. 5 tuổi cũng không biết đi, biết nói. Cứ đổ bệnh là hành tôi phải bồng đi trực chiến ở bệnh viện... Ngày thì Thúy chịu ngồi một chỗ, nhưng đêm đến lại muốn trốn nhà để đi. Có đêm trốn đi xuống tận Điện Bàn, Duy Xuyên… Vậy nên, tối nào tôi cũng phải thức để canh giữ con”. Nhà có sào ruộng. Mỗi năm làm được 20 bao lúa. Bán được hơn 5 triệu đồng. Với chừng đó tiền, chi cho 4 miệng ăn, không biết bà xoay xở sao để có tiền lo cho con cứ 3 tháng phải đi chạy thận một lần, rồi lo thuốc cho bệnh tim, bệnh men gan… Đêm như dài dằng dặc với bao nỗi niềm của bà, nhưng từ bao giờ Thúy đã trở thành một phần sống không thể thiếu trong bà, “tựa đó là khúc ruột, là nhựa sống đời mình…”, bà nói.
3. Tôi rời nhà bà Năm. Men theo con đường làng quanh co trong đêm mù tối. Trời mát dịu, khác hẳn với không khí ồn ào ở phố. Nhưng Trưởng thôn Nguyễn Văn Phấn bảo, trong sự yên ắng ấy lại không hề bình yên, thấp thỏm nhiều nỗi đau buồn. Những nỗi buồn khó diễn đạt nên lời đang ẩn dật đằng sau nhiều ngôi nhà có những phận người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin như nhà chị Sáu (ở thôn Hạ Vi), nhà chị Trinh (ở thôn Ngọc Kinh Đông), rồi bà Loan, bà Phượng, bà My... Hầu hết người dân ở đây làm nông, đời sống kinh tế rất khó khăn. Nhiều gia đình có người thân bị co quắp, quặt quẹo càng thêm khổ. Kiếm cái ăn qua ngày đã cực, chăm người đau, giành lấy sự sống cho con là cả một chặng đường dài gian truân. 200 nạn nhân là 200 nỗi buồn và những người thân của họ đang đối mặt với những khó khăn thường nhật đang đeo bám mấy chục năm qua. Trên đoạn đường đi, ông Phấn cứ thở dài…
Trong màn đêm, ngôi làng như nặng nề hơn. Đêm thật dài và khó ngủ, tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt hõm sâu của bà Năm, chị Phượng cùng câu nói của ông Phấn: “Phụ nữ ở đây rất nghèo, nhưng họ vẫn chăm chỉ, cần mẫn cả đời lo cho con. Với họ, đêm cũng như ngày. Đêm lại càng đau đớn, buồn thăm thẳm hơn, vì đó là lúc con họ thường hay lên cơn trở bệnh, phải canh giữ từng phút để giành lấy sự sống cho con. Bỗng nghe mình nhỏ bé lạ so với vô vàn những nỗi đau buồn mà phụ nữ nơi đây đang phải gồng mình gánh chịu.
Huyện Đại Lộc hiện có 3.028 đối tượng bị phơi nhiễm và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó có 1.689 đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bị nhiễm và nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, 3. Đại Hồng là xã có số người nhiễm nhiều nhất huyện. Ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, nhiều năm qua, Đại Lộc đã kêu gọi sự ủng hộ của cả cộng đồng trong việc chung tay giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam…