Deadline: Đến hẹn lại… hối hả

Thời điểm tết cận kề cũng là lúc rất nhiều người trẻ đối diện với khối lượng công việc dày đặc. Deadline - một cụm từ tiếng Anh tưởng chừng rất ngắn gọn nhưng chất chứa biết bao áp lực, hối hả, cả những giọt mồ hôi và niềm vui chiến thắng.

Chạy đua với thời gian

Phải đến khi bảo vệ công ty “đuổi khéo”, Thiên Lý (nhân viên truyền thông, ngụ quận 10, TPHCM) mới chợt nhớ đồng hồ đã điểm sang 21 giờ. Lý cho biết, cuối năm dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng cô cũng không tránh khỏi căng thẳng vì công việc chính cũng như việc làm thêm luôn cần được đẩy nhanh về tốc độ. “Áp lực deadline có thể mô tả ngắn gọn là: bản thân mình không được ốm dù chỉ 1 ngày”, Lý tâm sự.

Với Thành Vĩnh (nhân viên Social Media Marketing, làm việc tại quận 10, TPHCM) mọi thứ cũng chẳng nhẹ nhàng là mấy. “Tôi luôn ở trạng thái khá căng thẳng vì cuối năm nhiều dự án, các đối tác cùng ra sản phẩm một lúc. Thậm chí, có khi cùng một giờ đồng loạt 3-4 đối tác yêu cầu công việc mình phải giải quyết”, Vĩnh vừa trò chuyện qua Zalo, vừa tiếp tục làm công việc dang dở.

Những trường hợp như của Thành Vĩnh hay Thiên Lý vốn không phải hiếm. Những ngày cuối năm này, không ít văn phòng sáng điện trễ hơn. Nhiều quán cà phê hay những không gian làm việc chia sẻ đâu đâu cũng thấy hình ảnh những người trẻ hối hả, vùi đầu vào máy tính, điện thoại.

Báo cáo, kế hoạch chất thành chồng. Email, tin nhắn đổ chuông liên hồi. Thời gian dường như ngưng đọng, chỉ còn lại tiếng gõ phím và thậm chí cả những cuộc họp khẩn cấp đến tận đêm, nhất là với những bạn trẻ làm cho các công ty nước ngoài lệch múi giờ, hay làm cùng lúc nhiều công việc.

6a-8976.jpg
Không ít người trẻ bận rộn liên miên với deadline cuối năm. Ảnh: Nam Thi House

Vy Đỗ (nhân viên sáng tạo nội dung, làm việc tại quận 7, TPHCM), tâm sự: “Từ khi đi làm (tính đến nay được khoảng 3 năm) hầu như tết năm nào cũng vậy, nên em cũng chuẩn bị sẵn tinh thần không buông laptop/điện thoại trong ngày nghỉ. Tuy nhiên, bản thân vẫn cố gắng hết sức, hoàn thành càng nhiều công việc càng tốt để mấy ngày tết được thảnh thơi hơn xíu, có nhiều thời gian với gia đình hơn”.

Thời điểm cuối năm, “cơn bão” deadline dường như không chừa một ai. Thậm chí, các bữa ăn, giấc ngủ, hay buổi tiệc tất niên cũng trở thành vội vàng. Thúy Kiều (nhân viên kinh doanh, ngụ quận 1, TPHCM) cho biết, công ty cô dù chưa đến 10 thành viên nhưng vì khối lượng công việc đổ dồn nên còn chưa sắp xếp được lịch để ăn tất niên. Ban đầu mọi người tính sẽ dành một buổi tối, nhưng cuối cùng lại chuyển sang buổi trưa để tiết kiệm thời gian.

Nhiều động lực

Áp lực đè nặng là điều hiển nhiên, thậm chí khiến không ít người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, dễ mệt mỏi, cáu giận. Nhưng áp lực của deadline không phải chỉ có sự căng thẳng, đây cũng là khoảng thời gian bùng nổ của sáng tạo, nơi nhiều cá nhân phá bỏ và vượt qua giới hạn, lối mòn của bản thân để tìm ra những ý tưởng hay, giải pháp tối ưu.

Theo Vy Đỗ, qua thời gian dài chạy deadline (từ đại học cho tới những năm đi làm), cô thấy rõ ràng bản thân đang có khả năng chịu áp lực và multi-tasking (đa nhiệm) tốt hơn trước. Ngoài ra, cô cũng có một vài thay đổi trong tư duy quản lý thời gian và công việc: biết khi nào nên ôm việc, khi nào nên chia sẻ cho đồng đội, giải quyết khối lượng công việc ra sao, khi bắt đầu nhận dự án sẽ phân chia công việc hợp lý trước sau. Cô thừa nhận cũng đã biết “nói không” với những deadline không hợp lý.

“Trước đây, em là chuyên gia ôm việc, nhiệm vụ nào cũng nhận và cam kết deadline thật sớm. Tuy nhiên, em nhận ra cách làm này không giúp mình hoàn thành công việc tốt nhất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu suất của bản thân và đồng đội nữa”, cô rút ra bài học.

Một bài học kinh nghiệm chung được hầu hết các bạn trẻ đưa ra, để hoàn thành công việc, từng ngày cần liệt kê những việc cần làm vào tối hôm trước, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và ngày hôm sau cứ thế thực hiện. Cách tốt nhất để hoàn thành là phải tập trung cao độ, bởi rất nhiều trường hợp xảy ra, việc này chưa xong đã có việc khác chen vào.

Phải sắp xếp giải quyết các nhiệm vụ cần gấp về deadline và chấp nhận tăng ca để hoàn thành. Cũng trong những hoàn cảnh như thế, ngoài phẩm chất của mỗi cá nhân, tinh thần làm việc đồng đội, sẻ chia, hỗ trợ và động viên nhau vượt qua khó khăn cũng là điều vô cùng quan trọng.

Dĩ nhiên, thành quả của việc chạy deadline cũng rất ngọt ngào. Như chia sẻ hài hước của Thiên Lý, yếu tố tích cực đầu tiên của deadline là “làm nhiều thì có nhiều tiền mang về cho mẹ”. Và, điều quan trọng hơn, từ chính những trải nghiệm ấy, bản thân mỗi người trẻ thấy mình trưởng thành hơn.

Tin cùng chuyên mục