1. Vừa đặt tách cà phê xuống bàn, anh Nguyễn Nam (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) mở màn câu chuyện liên quan đến bố mẹ mình, hiện đang sống một mình ở quê. Nam cho biết, hai ông bà đều đã qua tuổi 60 và cùng lúc gặp các vấn đề về sức khỏe. Bố anh vốn bị tiểu đường và bệnh gout, chẳng may mới bị té gãy xương chân. Trong khi đó, mẹ anh cũng vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, đột quỵ gây méo miệng, hiện vẫn đang chạy chữa.
“Nghe tin, tôi tính đặt vé về gấp để phụ chăm sóc ông bà ít ngày thì vợ đột ngột nhập viện, kéo dài cả tuần lễ nên kế hoạch phải hủy. Gia đình có 3 con trai, trong đó em út dù ở gần nhà nhưng lại là bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng nên không thể đóng cửa về quê. Cực chẳng đã, người em thứ hai vừa kết thúc chuyến công tác nước ngoài phải đổi vé bay ra Bắc thay vì về lại TPHCM. Ai cũng nói, mang tiếng nhà có 3 con trai mà lúc cần không biết dựa vào ai”, Nam thở dài.
Anh cũng cho biết, khi khôn lớn trưởng thành, mỗi anh em đều có kế hoạch riêng cho cuộc sống cá nhân. Chia sẻ với bố mẹ thì đều được đồng tình, ủng hộ và ông bà mừng vì con cái đều biết tự lập. Hai ông bà sống với nhau như thế nhiều năm qua, vẫn duy trì công việc làm nông, chăn nuôi để không phụ thuộc kinh tế và làm gánh nặng cho con cái.
Thậm chí, ông bà còn sẵn sàng đề xuất các con gửi cháu về cho ông bà chăm sóc, đỡ phần nào vất vả. Ngay trước tết vừa qua, ông còn gọi các con về, chia đều mảnh đất đang ở cho từng người. Ông bà chỉ giữ lại một phần cho riêng mình, sau này ai nhận phần hương khói tổ tiên thì sẽ giao cả phần đó. Ấy vậy nhưng, khi nghĩ hoàn cảnh của cha mẹ anh vẫn cứ thấy nghẹn lòng.
2. Không muốn làm phiền đến con cái là suy nghĩ của không ít bậc cha mẹ hiện nay. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thấy con cái vất vả mưu sinh đã cố gắng gói ghém và tự lo lấy thân, rau cháo qua ngày để không muốn mình trở thành gánh nặng của con.
Chị Thúy Minh (ngụ chung cư Useful, quận Tân Bình, TPHCM) kể, ngay khi chị sinh con đầu lòng, biết hai vợ chồng còn ở nhà thuê nên bà nội ở quê nhất quyết vào thành phố phụ chăm sóc cháu, để đỡ tiền thuê người giúp việc. Biết bố chồng ở quê chỉ có một mình lại thường đau yếu, vợ chồng chị chỉ dám nhờ bà năm đầu tiên, khi con cứng cáp thì gửi nhà trẻ.
“Thế nhưng, tôi không biết ông bà thỏa thuận với nhau như thế nào, luôn khuyên vợ chồng tôi để cháu 2-3 tuổi rồi hãy cho đi mẫu giáo. Lần nào vợ chồng tôi gọi điện về, ông đều nói sức khỏe tốt, vắng bà nhưng ông còn anh em, họ hàng làng xóm”, chị Thúy Minh kể và chia sẻ càng thấy thương bố mẹ chồng hơn.
Hay trường hợp của chị Như Thảo (ngụ chung cư Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) chia sẻ, dù mẹ của chị chỉ sống một mình, gần sang tuổi 80 nhưng nhất quyết không về ở với người con nào. Vốn tích cóp được chút tài sản, lại có lương hưu, hàng tháng, bà chỉ ghé chơi nhà con cái mỗi người 1-2 ngày. Chị Như Thảo tâm sự: “Lo lắng là những lúc trái gió trở trời không có người chăm sóc, tôi tìm mọi cách để bà về ở cùng, nhưng nhiều lắm cũng chỉ được một tuần. Bà luôn nói nhớ ngôi nhà có hình bóng của ông, quen sống một mình rồi, có vấn đề gì về sức khỏe sẽ gọi con cái liền. Mình thì nơm nớp nhưng bà lúc nào cũng bình thản”.
3. Việc ai sẽ nuôi cha mẹ khi về già là một vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa, hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính của cha mẹ, con cái. Nếu những ai đã theo dõi phim Lật mặt 7: Một điều ước sẽ thấy, bộ phim có một cái kết như mơ, không dễ gì xảy ra trong thực tế cuộc sống.
Theo đạo hiếu của người Việt Nam, con cái chăm sóc cha mẹ vừa là quyền đồng thời là nghĩa vụ. Nó cũng thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp. Không ít người còn ao ước, giá như mình còn cha mẹ để được chăm sóc, phụng dưỡng. Thậm chí, điều này còn được quy định trong điều 71, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, mỗi gia đình có những thỏa thuận cha mẹ sẽ ở riêng, về sống với ai khi tuổi già, thuê người giúp việc hay vào viện dưỡng lão.
Câu chuyện này giống như vòng lặp không hồi kết, bởi cha mẹ cũng từng trải qua giai đoạn là những người con. Và, những người con sau này cũng lớn lên, có gia đình và đối diện với tuổi già, sinh-lão-bệnh-tử. Do đó, khi chúng ta dạy con cái tự lập nên chăng đồng thời cần chuẩn bị cho chính tuổi già của mình. Sự chuẩn bị ở đây, gồm cả điều kiện vật chất để không lệ thuộc hay làm gánh nặng cho con cái.
Và quan trọng, đó là sự chuẩn bị về tinh thần, tự tìm kiếm cho mình những niềm vui tuổi già mà đôi khi, thời còn trẻ vì nặng gánh lo toan đã không thể thực hiện được. Điều cốt yếu ở đây chính là cha mẹ hay con cái hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của nhau, từ đó sẽ càng có nhiều hơn sự thấu hiểu, cảm thông. Mọi suy nghĩ, hành động, sự quan tâm nếu xuất phát từ cả hai phía sẽ khiến mọi chuyện được giải quyết thấu tình, đạt lý để cả nhà cùng vui.