Luật còn xa thực tế
Trước khi nghề nuôi chim yến được đưa vào Luật Chăn nuôi, rất nhiều người dân đã phản ứng với tình trạng nhiễu loạn tiếng ồn do các nhà nuôi yến xen cài trong khu dân cư phát loa dẫn dụ chim gây ồn ào, ảnh hưởng môi trường sống.
Tại địa phương có số lượng nhà yến rất lớn, ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, bức xúc nhiều năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh âm thanh phát ra từ tiếng loa nhà yến rất khó chịu. Chi cục đã đo âm thanh từ nhà yến phát ra, nhưng đều không vượt quá 70dBA theo quy định đo tiếng ồn.
Tuy nhiên, ngay cả bản thân lực lượng chức năng đứng đo âm thanh, nghe cũng rất khó chịu thì làm sao người dân xung quanh có thể chịu được. “Hơn nữa, nhà yến thường mở loa từ 5 giờ đến 21 giờ, cường độ âm thanh vang vọng cả ngày, theo tôi, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu thêm để điều chỉnh lại quy định cường độ âm thanh trong các nhà nuôi yến cho hợp lý”, ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị.
Trong luật cũng có quy định nhà yến phải xây dựng đáp ứng các điều kiện chăn nuôi, nhưng lại chưa quy định rõ về mật độ vật nuôi như thế nào. Bên cạnh đó, cần có quy định nhà yến như thế nào mới được cấp phép, tránh nhiều người bị lừa xây dựng nhà yến nhưng không thành công.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, nhận xét hiện nay luật đưa loài chim yến vào vật nuôi nhưng vẫn còn rất chung chung, chưa có quy chuẩn rõ về nuôi loài này. Để thuận tiện trong quản lý nhà yến, cần phải có quy hoạch vùng nuôi để tiến tới quy mô chuyên nghiệp. Nếu muốn di dời nhà yến cách xa khu dân cư, cần có chính sách, quy định cụ thể khoảng cách và tùy theo đặc điểm của từng địa phương để triển khai.
Quy hoạch thành trang trại
Nhà nước cần có quy hoạch vùng nuôi chim yến - từ đó địa phương có phương pháp quản lý nhà yến - người nuôi và Nhà nước đều thực thi tốt nhiệm vụ. Lý giải nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty Yến sào Anpha Cần Giờ, cho hay chim yến sống trong môi trường tự nhiên nên quy hoạch cần phải hài hòa; đặc biệt tránh mắc phải sai lầm như nhiều ngành khác là “khu dân cư hay ngành chăn nuôi có trước?”.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết cục sẽ xem xét vấn đề cường độ âm thanh khi phát, mở loa dẫn dụ chim yến để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu dân cư. Cục Chăn nuôi vẫn khuyến nghị các địa phương có nhiều nhà yến trong khu dân cư cần có giải pháp di dời hợp lý từng vùng. Quan trọng hơn hết, người xây nhà yến cần phải đầu tư công nghệ kỹ thuật cao để bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Có thể quản lý nhà yến bằng cách người mua vật liệu xây dựng cho nhà yến, công nghệ, kể cả người bán đều phải có xác nhận của cơ quản quản lý.
“Quy hoạch bài bản xong thì Nhà nước, hiệp hội phải có giải pháp phát triển thành sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Việt Nam để hướng đến xuất khẩu. Một yếu tố nữa là cần phải phát triển thị trường trong nước để người tiêu dùng Việt Nam được hưởng giá phải chăng”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn đề nghị.
Luật vẫn chưa khuyến khích hình thành các trang trại lớn để đầu tư kỹ thuật cao cho việc dẫn dụ chim yến; do vậy, ông Phạm Thế Ruân, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, kiến nghị cần quy định cụ thể nhà yến có diện tích sàn nuôi, giới hạn chiều cao để xác định quy mô chăn nuôi đó là trang trại hay quy mô nông hộ, tránh ảnh hưởng quy hoạch từng tỉnh.
Nuôi chim yến vẫn chưa khuyến khích hình thành các trang trại lớn, tập trung, đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại để dẫn dụ nuôi yến, sự sáng tạo, đổi mới trong việc xây dựng chuồng nuôi.
Luật cần ban hành quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến, tránh trường hợp khai thác tổ yến non, sơ chế có độn thực phẩm có giá trị thấp hơn vào tổ yến, gây ảnh hưởng đến thương hiệu yến Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.