Ông Lê Thành Long đã trả lời về các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng đề án, dự án xây dựng pháp luật; thẩm định các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Luật vênh nhau, xử lý thế nào?
Trả lời chất vấn của nhiều ĐB về việc chương trình xây dựng pháp luật hay thay đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan là số lượng văn bản pháp luật (VBPL) cần xây dựng, ban hành rất lớn, thì có nguyên nhân chủ quan là khi lập đề nghị, các cơ quan soạn thảo chưa trù liệu được hết tác động sâu rộng của chính sách đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội (chẳng hạn, việc thực hiện Luật Quy hoạch dẫn đến phải phải điều chỉnh tới 25 luật…).
Theo Bộ trưởng, nâng cao chất lượng của công tác đánh giá tác động chính sách ngay từ khi lập đề nghị xây dựng pháp luật là một giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng thẩm định và đôn đốc, nhắc nhở các bộ ngành nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật.
Nêu một ví dụ rất cụ thể về sự không thống nhất trong các quy định pháp luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) giữa 3 đạo luật (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công), ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, việc này đã gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư. Xử lý mâu thuẫn này như thế nào?, ĐB nêu chất vấn.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đúng là có sự vênh nhau giữa 3 luật nói trên, liên quan đến thời điểm cần trình Báo cáo ĐGTĐMT đầy đủ. Quan điểm của Bộ để xử lý tức thời vấn đề này là đề nghị UBTVQH áp dụng quyền giải thích pháp luật, luật. Theo đó, ở thời điểm nộp hồ sơ đề nghị được đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần nộp đánh giá sơ bộ.
Tiếp tục tranh luận, ĐB Đỗ Thị Lan yêu cầu quy định rõ tiêu chí về báo cáo đánh giá sơ bộ và đề nghị cho biết “đến bao giờ thì sửa được bất cập trong quy định tại Luật Bảo vệ môi trường”.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Bộ đã dự kiến đưa việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2018, nhưng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng muốn có thêm thời gian để sửa Luật căn cơ hơn, nên giải pháp hợp lý hiện thời là giải thích pháp luật.
Lương giáo viên: sẽ đề xuất xử lý sớm
Chia sẻ nhận định về sự cần thiết giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn thống nhất quy định giáo viên được hưởng thang bảng lương cao nhất. Lý do Bộ Giáo dục đưa ra rất thuyết phục. Tuy nhiên, Chính phủ đang chuẩn bị đề án tổng thể cải cách tiền lương, gom lại tất cả các quy định về lương hiện đang nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính thống nhất. Thế nhưng đợi quy định chung thì cũng sợ chậm, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý tức thời như một ngoại lệ với giáo viên”.