Nhà đầu tư bỏ cuộc
Hơn 10 năm trước, 3 KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng được UBND TPHCM đưa vào quy hoạch các KCN dự kiến trên địa bàn đến năm 2020, có tính đến năm 2025. Từ đó đến nay, 3 KCN này vẫn chưa được triển khai, khiến hàng ngàn người dân tại Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng. Theo quy hoạch được duyệt, KCN Bàu Đưng tọa lạc tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi với quy mô 175ha, được ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí nông nghiệp và các ngành công nghiệp trọng yếu. Năm 2008, UBND TPHCM đã chấp thuận về nguyên tắc giao cho Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh nghiệp này rút lui, không tiếp tục đầu tư. Từ đó đến nay, KCN này “treo” do không tìm được nhà đầu tư mới.
KCN Hiệp Phước nằm ở 2 xã Trung Lập Hạ và Hiệp Phước với quy mô 200ha, chuyên về công nghiệp hóa dược. Năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư Ánh Sáng Chung được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, suốt 7 năm, công ty này không có bất kỳ hoạt động nào. Đến năm 2017, Ban Quản lý các Khu chế xuất và KCN TPHCM đã thu hồi giấy phép đầu tư của doanh nghiệp này.
Quy hoạch 2 KCN trên liên quan khoảng 400 hộ dân, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và trang trại nuôi bò của một số doanh nghiệp. Phần còn lại là đất của người dân trồng cỏ, cây công nghiệp ngắn ngày, hoa lan, cây ăn trái…
KCN Xuân Thới Thượng có quy mô 300ha và khu dân cư liền kề 80ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Chủ trương của TPHCM là phát triển ngành công nghiệp nhẹ, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Năm 2010, TPHCM chấp thuận chủ trương giao cho Công ty cổ phần DIC làm chủ đầu tư, lập đồ án quy hoạch KCN này và khu dân cư liền kề. Tổng mức đầu tư dự kiến tại thời điểm đó khoảng 3.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến hết năm 2016; giai đoạn 2 từ năm 2017 đến 2022.
Tuy nhiên, 3 năm sau, chủ đầu tư chưa có động thái gì, các cơ quan chức năng có văn bản đốc thúc. Năm 2013, DIC có công văn cam kết hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch 1/2.000 của dự án vào năm 2014, năm 2015 sẽ hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến năm 2016, DIC bị TPHCM thu hồi chủ trương đầu tư dự án. Đến nay, dù dự án chưa có nhà đầu tư nhưng vẫn đang được quy hoạch là KCN nên hàng ngàn người dân sống trong quy hoạch “treo”. Theo thống kê của huyện Hóc Môn, hiện có hơn 2.000 hộ dân sống trong dự án này cùng với gần 900 căn nhà các loại. Người dân bức xúc đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Trong nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân Củ Chi và Hóc Môn đã đề nghị TPHCM xóa quy hoạch 3 dự án KCN này.
Thực tế, 3 dự án này được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch và các dự án đều không khả thi. Các dự án này đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong ranh quy hoạch khi hạ tầng bị xuống cấp nhưng không được đầu tư. Việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc việc cho tặng, sang nhượng đất không thể thực hiện cùng hàng loạt bất cập khác về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh đối với người dân sống trong các dự án treo này. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đối với 3 KCN này.
Chuẩn bị hàng trăm hécta đất sạch tiềm năng
Tại Tờ trình 2108/TTR-UBND do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ký gửi Thủ tướng mới đây, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép xóa bỏ quy hoạch 3 KCN nói trên và thay thế bằng KCN Phạm Văn Hai ở huyện Bình Chánh với quy mô 668ha. Tổng quỹ đất công nghiệp của TPHCM được duyệt là 7.000ha. Hiện nay có 4/23 KCN chưa được thành lập, trong đó có 3 KCN nói trên. KCN Phạm Văn Hai, trước đây TPHCM đề xuất quy mô 380ha nhưng hiện điều chỉnh thành 668ha, phù hợp với việc xóa 3 KCN nói trên. Theo kế hoạch, đi liền với KCN có quy mô “khủng” này là 100ha đất dân cư, đô thị liền kề để phục vụ cho KCN.
Theo đánh giá của TPHCM, vị trí khu đất này hiện nay là đất nông nghiệp, hiện do Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM quản lý, sử dụng. “Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn và ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ khu dân cư xung quanh. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ phát triển nông nghiệp không hiệu quả sang phát triển công nghiệp tập trung là phù hợp với điều kiện tự nhiên, sử dụng hiệu quả quỹ đất...” - UBND TPHCM nhận xét.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, lãnh đạo TPHCM kỳ vọng KCN Phạm Văn Hai sẽ là KCN mới có khả năng triển khai nhanh, thu hút đầu tư tốt, có nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển thành một KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Đồng thời, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. KCN Phạm Văn Hai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút các ngành điện, điện tử cơ khí tự động hóa…
UBND TPHCM nhận định, trước bối cảnh quỹ đất KCN ngày càng khan hiếm, các KCN hiện hữu ngày càng lấp đầy, đại dịch Covid-19 đang có tác động dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới, có sự chuyển dịch đầu tư, thay đổi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sang các khu vực khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Việc TPHCM chuẩn bị quỹ đất sạch công nghiệp nói chung và KCN Phạm Văn Hai để đón đầu sự chuyển dịch đầu tư nói trên góp phần tạo sự đột phá về thu hút đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.