Cụ thể, về phương án tuyến bắt đầu từ điểm giao cắt với điểm cuối của đường trên cao số 1 tại ngã ba đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh đi theo đường Phạm Văn Bạch dọc theo tường bảo vệ phạm vi sân bay đến ngã ba Trần Thái Tông sau đó rẽ phải và đi trên cao vào Sân Bay Tân Sơn Nhất, tức là đi song song với đường băng cất hạ cánh của sân bay và kết nối với đường Quang Trung, tổng chiều dài 5,3km. Đoạn 1 đi theo đường Phạm Văn Bạch (mở rộng đường Phạm Văn Bạch) từ ngã Ba Trường Chinh - Cộng Hòa; đoạn 2 từ ngã ba Phạm Văn Bạch đến Quang Trung. Trên tuyến các nút giao đều giao khác mức bằng cầu vượt hoặc hầm chui. Về chi tiết phương án nút giao, tư vấn sẽ đề xuất phương án và trình trong bước tiếp theo.
Vị trí xây dựng giai đoạn 1, tuyến đường trên cao số 1 bắt đầu từ vòng xoay Lăng Cha Cả - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cắt qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã ba đường Nguyễn Văn Lạc và đi theo đường Ngô Tất Tố để kết nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, tổng chiều dài 9,5km.
Giai đoạn 2 xây dựng đường trên cao, đoạn từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả và sẽ kết nối cầu chính và xây dựng thêm các nhánh nối từ Tân Sơn Nhất lên cầu cạn và ngược lại. Việc xây dựng đường trên cao số 1 với kết cấu cầu cạn hai tầng đi trên cao trong suốt chiều dài tuyến, nhằm tiết kiệm diện tích và giải phóng mặt bằng ít nhất có thể. Nút giao Lăng Cha Cả xây dựng nút giao khác mức 3 tầng hoàn chỉnh kết nối đường trên cao với đường Trường Sơn - Phan Thúc Duyện. Nút giao đường Điện Biên Phủ xây dựng nút giao khác mức kết nối đường trên cao với đường Điện Biên Phủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TPHCM, một trong những chuyên gia cố vấn cho Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhóm cố vấn của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên phía Bắc.
Có 2 phương án đều mở rộng sân bay lên phía bắc, một phương án giữ nguyên 2 đường băng hiện hữu và một phương án mở thêm đường băng thứ 3.
Theo ông Tống, sau hơn nửa năm làm việc, khảo sát và nghiên cứu, nhóm chuyên gia cố vấn đã đưa ra những phương án đề xuất và tính toán kỹ lưỡng cho các phương án này.
Ở phương án không mở đường băng thứ 3 và khai thác tối đa đường băng hiện hữu thì nhóm chuyên gia cho rằng có thể đón được tối đa 50 triệu khách/năm. Còn nếu muốn đón được 70 triệu khách (theo mức dự tính đến năm 2025) thì phải mở đường băng thứ 3.
Trước đó, nhóm đã bàn 4 phương án mở rộng sân bay, trong đó có mở rộng sân bay về phía nam. Tuy nhiên, hiện nay phía nam sân bay đang rất kẹt và nếu mở rộng sân bay thì tiếp tục kẹt. Do đó, bắt buộc phải mở rộng về hướng Bắc và kết nối giao thông về phía Bắc gần quốc lộ 1 và đường cao tốc trong tương lai. Vì vậy, khách từ các tỉnh đi vào sân bay không nhất thiết phải đi vào phía Nam mà có thể đi luôn vào mặt Bắc.
Nhóm cố vấn cũng xác định, vấn đề hiện nay không phải là phục vụ được bao nhiêu hành khách, mà phải mở rộng sân bay về hướng bắc. Vì vậy, với phương án duy trì 2 đường băng hiện hữu thì có các phương án tăng năng lực 2 đường băng hiện nay lên để đủ phục vụ 50 triệu khách/năm nhưng phải xây nhà ga ở phía bắc, kết nối giao thông ở phía bắc.
Còn để đáp ứng nhu cầu 70 triệu khách/năm thì cần phải có đường băng thứ 3, cách xa đường băng hiện tại 760m. Với phương án này, có thể phải đền bù giải tỏa một phần ở đầu phía Bắc với phương án lấy đất đổi đất (sử dụng phần đất hiện còn dư ở phía Bắc) để xây chung cư tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.