Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn đã đề xuất xây dựng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (có chiều dài khoảng 150km), với quy mô 4 làn đường hạn chế, mặt cắt ngang (17m giai đoạn đầu và 24,75m giai đoạn hoàn chỉnh), tốc độ thiết kế 100km/giờ.
Đối với phương án chọn tuyến, đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất 3 phương án xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, điểm đầu cao tốc là điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và điểm cuối là tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Cho ý kiến về phương án chọn tuyến, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, đối với phương án 1 và 2 trên thực tế phù hợp với các quy hoạch giao thông của ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phương án 2 đảm bảo điều kiện sẽ giúp các trung tâm của các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu kết nối với cao tốc chỉ với cự ly từ 24 - 35km. Đây là yếu tố quan trọng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng.
Đồng quan điểm trên, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Địa phương ủng hộ chọn phương án 2, vì các đô thị của các tỉnh dọc theo tuyến sẽ dễ dàng kết nối với cao tốc. Ngoài ra, trong trường hợp Cảng Trần Đề được phê duyệt điều chỉnh thành cảng loại 1A thì cũng sẽ dễ dàng kết nối với tuyến cao tốc này.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng thống nhất với phương án 2, xây dựng tuyến cao tốc mới song song với Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp.
Các địa phương này cho rằng, phương án 1 sẽ đặt ra các vấn đề về giải pháp kỹ thuật khi tận dụng Quốc lộ Phụng Hiệp để làm một phần cao tốc.
Phương án 3 kết nối thẳng từ điểm đầu (Cần Thơ) đến điểm cuối (Cà Mau) sẽ khiến các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu khó kết nối với cao tốc, đồng thời các giải pháp thi công cũng khó triển khai thực hiện.
Trước đó, vào tháng 8-2020, trả lời kiến nghị của các tỉnh thành ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, toàn tuyến sẽ được chia làm 2 thành phần: Cần Thơ - Bạc Liêu (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và Bạc Liêu - Cà Mau (đầu tư theo hợp tác công tư – PPP, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9-2020. Để từ đó, tranh thủ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
3 phương án xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Phương án 1, tận dụng nâng cấp phần Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp (hướng Cần Thơ đi Cà Mau) và làm thêm 2 làn đường ở chiều ngược lại, tổng chiều dài tuyến là 141km, giải phóng mặt bằng 750ha, tổng mức đầu tư 46.200 tỷ đồng. - Phương án 2, xây dựng 1 tuyến mới song song với Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp, chiều dài 138km (trong đó có 14km trùng với cao tốc trục ngang), giải phóng mặt bằng 900ha, tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng. - Phương án 3, xây dựng 1 tuyến mới, nối thẳng từ điểm đầu Cần Thơ đến điểm cuối Cà Mau, chiều dài 124km, giải phóng mặt bằng 800ha, tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng. |