“Đây là một trong những giải pháp đột phá trong chiến lược này. Trước đến nay, hóa chất vẫn bị e dè, địa phương rất ngại cấp phép cho các dự án hóa chất đơn lẻ”, ông Thanh nói.
Nếu được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ xây dựng khung khổ pháp luật, đồng thời xúc tiến tìm kiếm nguồn đầu tư. Bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ, đưa vào quy hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhưng chiến lược tốt vẫn chưa đủ, mà còn phải có doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt. Rất mừng là cũng đã có nhiều nhà đầu tư tư nhân đã bày tỏ quan tâm.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Thanh, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) hầu như là xu hướng tất yếu, nhất là trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Nhiều nước đã xác định rõ định hướng phát triển KTTH, trong đó có Trung Quốc đã nội luật hoá việc phát triển KTTH từ năm 2008 với nhiều quy định mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới là phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, tối đa hóa hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường trong lành, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Trong đó, quản lý hóa chất bền vững là hết sức quan trọng, có vai trò then chốt trong phát triển KTTH”, ông Võ Tuấn Nhân nhận định.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hy vọng hội thảo là nơi chia sẻ các kinh nghiệm tốt, cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26. Bộ TN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để hoàn thiện khung chính sách pháp luật để phát triển KTTH cũng như luôn tạo điều kiện để các hoạt động KTTH vận hành suôn sẻ.