Theo đó, đơn vị này đề xuất triển khai dự án đầu tư bến cảng mới tại 2 vị trí. Vị trí thứ nhất tiếp giáp luồng Cái Mép -Thị Vải thuộc địa phận Cù lao Phú Lợi, huyện Cần giờ. Nơi đây có thể xây cảng để tiếp nhận tàu tới 200.000 DWT. Vị trí thứ hai tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, có thể tiếp nhận tàu 150.000 DWT.
VIMC nêu lý do, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn mà VIMC chiếm 65,45% vốn chủ sở hữu có cảng Hiệp Phước và Tân Thuận chưa đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận lượng tàu và hàng hóa. Cụ thể, độ sâu của tuyến luồng chính là Soài Rạp tại khu vực cảng Hiệp Phước chưa ổn định, ảnh hưởng tới khả năng khai thác của cảng. Còn cảng Tân Thuận trong tương lai không xa sẽ phải di dời để TPHCM chỉnh trang đô thị, làm cầu Thủ Thiêm 4.
Cũng theo VIMC, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, VIMC và Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP) đã thỏa thuận khung hợp tác với hãng tàu MSC và TIL - thành viên của MSC, để phát triển hạ tầng cảng biển và dịch vụ logictics.
MSC là hãng tàu container lớn thứ 2 trên thế giới với năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEUs/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải của các đội tàu trên thế giới và có thể đi tới trên 500 cảng biển toàn cầu.
Tại Việt Nam, MSC có dịch vụ tới hệ thống cảng container Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu…
Hàng năm đội tàu của MSC vận chuyển hơn 1 triệu TEUs hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam tới các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… TIL hiện là một trong những nhà khai thác cảng container lớn, sở hữu và khai thác 40 cảng biển trên thế giới.
VIMC kỳ vọng với sự hợp tác của MSC, sẽ đầu tư, khai thác thành công cảng biển ở khu vực Cần Giờ, TPHCM.