Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đang diễn ra, trong nội dung thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu: Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình hội nghị Trung ương lần này, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên chỉ tương đương với mức hiện nay (hoặc tăng không đáng kể), thậm chí giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tổng thu nhập từ lương có xu hướng giảm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thực tế hiện nay, tính trung bình cơ cấu giữa lương và phụ cấp của giáo viên là 100% lương và 54% phụ cấp, quy đổi ra là 70% lương và 37,8% phụ cấp. Nhưng theo cơ cấu lương và phụ cấp trong Đề án (70% lương, 30% phụ cấp) thì phụ cấp của giáo viên sẽ giảm 7,8% so với hiện nay (chưa kể tỷ lệ % giảm do không còn phụ cấp thâm niên). Như vậy, tổng thu nhập từ lương của giáo viên sẽ không có sự thay đổi đáng kể so với hiện nay, trong khi tổng thu nhập từ lương của các ngành khác sẽ tăng hơn nhiều khi thực hiện theo Đề án này.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.