Ngày 7-1, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức” để tổng kết các vấn đề lý luận cũng như định hướng mô hình phát triển, cơ chế, chính sách quản lý phù hợp cho bộ máy chính quyền thành phố mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển TP Thủ Đức thuộc TPHCM; đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trong tương lai.
Trong đó, các đại biểu cho rằng TP Thủ Đức cần áp dụng cùng một lúc nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, đột phá trong quá trình kiến tạo, xây dựng và phát triển.
Cụ thể, Chính quyền TP Thủ Đức cần tập trung nhận diện thực trạng, tiềm năng, lợi thế cũng như các cơ hội liên kết để phát triển 3 trụ cột (Công nghệ cao; Công nghiệp và Nông nghiệp đô thị) theo hướng liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển năng lực cạnh tranh, gia tăng sức hấp dẫn của TP Thủ Đức và cả khu vực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, đề xuất Trung ương cho phép TPHCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, mạnh dạn đề xuất TP Thủ Đức là nơi thí điểm các chính sách mới. Đồng thời, gắn tiến trình xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiện đại với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, triệt để ứng dụng thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động đẩy mạnh số hóa dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử.
TP Thủ Đức cũng cần chú trọng đến vấn đề con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là yếu tố tiên quyết để xây dựng và vận hành hiệu quả mọi công việc, nhiệm vụ của thành phố.