Đề xuất thực hiện dự án chống ngập, sạt lở hơn 4.500 tỷ đồng tại Cần Thơ

Ngày 13-6, đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ.

Tại cuộc họp, UBND TP Cần Thơ đã báo cáo đề xuất Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.515 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ; thực hiện tại quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, thời gian triển khai dự kiến từ năm 2024-2030.

Việc đầu tư dự án là rất cần thiết và cấp bách, nhằm chống ngập vùng nội ô thành phố, phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng đô thị; giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm thành phố; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; kết hợp chỉnh trang đô thị…

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, trong đó có tình trạng ngập lụt, sạt lở… Mỗi lần tiếp xúc cử tri đều được bà con quan tâm, kiến nghị, trong khi ngân sách thành phố khó khăn.

Việc đầu tư dự án rất cấp bách, không chỉ phục vụ riêng cho Cần Thơ mà còn góp phần phát huy vai trò là trung tâm của vùng, đảm bảo kết nối giao thông, tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố và của vùng. Đây là dự án đa công năng, hướng đến đa mục tiêu...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sau cuộc họp này, các đơn vị chuyên môn của bộ sẽ tiếp tục góp ý để bộ có văn bản trả lời cho Cần Thơ, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông qua dự án này sẽ tham mưu về góc độ vùng ĐBSCL cho các dự án khác. Đề xuất của Cần Thơ là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình và quy định hiện nay.

Dự án có đầy đủ tính pháp lý để thực hiện, cho phép nghiên cứu thực hiện không chỉ chống ngập mà còn chống sạt lở, sắp xếp dân cư, góp phần phát triển kinh tế xã hội, là phương án tổng thể. Song, TP Cần Thơ cần nghiên cứu mở rộng hơn, đưa các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, nhất là giải phóng mặt bằng. Nguyên tắc chống ngập là vùng ảnh hưởng càng lớn thì suất đầu tư càng rẻ, mặc dù làm rộng thì không thể đảm bảo tuyệt đối.

Tin cùng chuyên mục