Trong đó, 4 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đề xuất mức thu 900 đồng/km. Đây là các dự án được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác chưa đáp ứng điều kiện triển khai thu phí (có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục). Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí sẽ có mức phí là 1.300 đồng/km.
Dự kiến khi triển khai thu phí 5 tuyến đường cao tốc, sau khi trừ chi phí tổ chức thu, mỗi năm sẽ nộp ngân sách khoảng 1.700 tỷ đồng.
Về thời hạn thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất thời hạn khai thác tài sản trong 7 năm. Trong quá trình khai thác hoặc sau khi hết thời hạn khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác nếu phù hợp.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất được giao trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo hình thức điện tử không dừng. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ quản lý thu, nộp, sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện còn 7 tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu chưa đủ điều kiện thu phí, gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, Lào Cai - Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, TPHCM - Trung Lương, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu để tiếp tục lập đề án khai thác ở giai đoạn sau.