Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.
Thời gian thực hiện thí điểm áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Mức thu phí được xác định trên 3 nguyên tắc gồm: phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước; được tính toán theo từng đoạn tuyến cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
Bộ GTVT kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, gồm ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương theo phương án đầu tư khai thác.
Bộ GTVT cho biết, để tiến hành thí điểm thu phí các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư, Chính phủ cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn, tuyến đường bộ cao tốc.
Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Hiện Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.