Đề xuất thí điểm đấu giá biển số ô tô trên toàn quốc trong 3 năm

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Đa số đề nghị thời hạn thí điểm là 3 năm.

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điều hành phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điều hành phiên họp

Ngày 7-10, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với hình thức văn bản là Nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nêu quan điểm thẩm tra tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; đồng thời cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Về phạm vi thí điểm, đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết các quy định về xác định, lựa chọn các biển số xe đưa ra đấu giá; bước giá; trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản được Bộ Công an giao đấu giá biển số xe ô tô…

Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Nghị quyết là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, bởi đây là khoảng thời gian phù hợp để các cơ quan triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm.

Một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Ý kiến khác đề nghị quy định kết hợp theo hướng: thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện thí điểm cho đến khi nội dung này được quy định trong luật, nhưng không quá 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Tin cùng chuyên mục