Xem xét kỹ lưỡng
Theo tờ trình của Chính phủ, mặc dù Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch Covid-19 (trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp); tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng chống dịch.
Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động, Chính phủ báo cáo và đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào bốn nhóm vấn đề: khám bệnh, chữa bệnh (KCB); thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược phẩm; trang thiết bị y tế.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch Covid-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần của kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết 268/NQ/QH15.
Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình UBTVQH cho phép thực hiện cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ là cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước (NSNN).
Chi trả thỏa đáng cho cơ sở y tế tư nhân
Về thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, một số địa phương đã sử dụng hết ngân sách được cấp, không thể tự điều tiết, cân đối. Bên cạnh đó, có một vài địa phương nguồn lực không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi trả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vì vậy, cần cân nhắc việc quy định “giao ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền ở cấp địa phương thành lập” để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nội dung đáng lưu ý khác do Chính phủ trình đã nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Xã hội là việc thực hiện thanh toán chi phí KCB cho người mắc Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật áp dụng thời điểm 1-8-2021 đến 31-12-2021. Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết các chi phí KCB Covid-19 trong thời gian vừa qua, làm rõ mức trích từ quỹ BHYT để bảo đảm an toàn quỹ cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi; bổ sung đánh giá và dự báo tác động tới NSNN và quỹ BHYT trong thời gian tới để UBTVQH có cơ sở quyết định; đồng thời, cần làm rõ về quan điểm có hay không việc thực hiện hồi tố, thanh toán lại những khoản đồng chi trả đã thực hiện.
Ủy ban Xã hội cũng nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, KCB khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia với cơ chế hợp lý, hài hòa giữa lợi ích chính đáng của cơ sở y tế tư nhân và khả năng chịu đựng của NSNN.
Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện các cơ quan hữu quan đã nêu nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH xem xét quyết định tại phiên họp thứ 6 (tháng 12-2021).