Sở Nội vụ vừa có tờ trình, gửi Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TPHCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Kèm với tờ trình, Sở Nội vụ xây dựng Đề cương sơ bộ của đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.
Theo Sở Nội vụ, căn cứ xây dựng đề án này là dựa vào Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những nội dung chính của nghị quyết này là yêu cầu “tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”.
Sở Nội vụ cũng viện dẫn các căn cứ khác như Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.
Tại TPHCM, Thành ủy cũng có Kế hoạch 198-KH/TU về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong đó giao Ban cán sự đảng UBND TPHCM “chủ động xây dựng đề án trình Quốc hội, Chính phủ quyết định việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị”…
Trong đề cương, Sở Nội vụ TPHCM đề cập đến thực trạng của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên địa bàn; kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở một số nước và kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận và cấp phường tại TPHCM, cũng như kinh nghiệm tổ chức thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Dự thảo đề án còn đề cập đến thực trạng tổ chức chính quyền tại TPHCM, trong đó có thực trạng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; thực trạng phân cấp cơ chế, chính sách quản lý giữa Trung ương với chính quyền TPHCM cùng một số vấn đề về phân cấp khi đặt ra khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TPHCM.
Về định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, Sở Nội vụ đề xuất thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TPHCM theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc TPHCM và phường, xã, thị trấn).
Cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố (thuộc TPHCM), chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Tương tự, ở phường, xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Về việc tổ chức thêm cấp thành phố (tương đương quận, huyện và trực thuộc TPHCM), Sở Nội vụ đề xuất việc định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông và thành lập thành phố (thuộc TPHCM).
Để mô hình này phát huy hiệu quả, đề án cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền các cấp thành phố và những vấn đề kiến nghị Trung ương phân cấp cho TPHCM phù hợp với điều kiện chính quyền đô thị tại TPHCM.
Theo đó, Trung ương cần đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp quản lý giữa Trung ương với chính quyền TPHCM, thông qua việc tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội) và một số nội dung khác phân cấp khác (về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, về quy hoạch, về lĩnh vực ngân sách - tài chính, về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức thuộc diện TPHCM quản lý, về quyền tự chủ, quyết định phân bổ biên chế…).
Trước đó, Thường trực Thành ủy TPHCM có kết luận giao Ban cán sự đảng UBND TPHCM chỉ đạo UBND TPHCM xây dựng đề cương sơ bộ của đề án và dự thảo tờ trình, trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, trước khi trình Bộ Chính trị.