Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 177.087 tỷ đồng. Những nhóm hàng có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 8,6%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 20,5%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 29,9%; hàng may mặc tăng 3,4%…
Mặc dù mức bán lẻ tăng, song theo Sở Công thương TPHCM, chi tiêu của người dân chỉ tập trung vào thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 cũng như dịp lễ 30-4 và 1-5. Nguyên nhân chủ yếu được Sở Công thương chỉ ra là do xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.
Do vậy, để thúc đẩy thị trường bán lẻ cũng là thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, gần đây có một số ý kiến đề xuất nên thành lập Hiệp hội bán lẻ tại TPHCM. Việc thành lập Hiệp hội bán lẻ tại TPHCM được Sở Công thương kỳ vọng sẽ tạo sức mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn, hướng tới kiểm soát chất lượng hàng hóa, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho hàng Việt, từ đó tạo niềm tin để kích cầu cho thị trường.