Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ, tính đến ngày 7-3, đoàn giám sát đã nhận được toàn bộ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát.
So với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng. Số lượt đoàn đông người tăng, song số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước lại giảm.
Nguyên nhân được chỉ ra là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người khiếu nại còn hạn chế; nhiều vụ việc đã giải quyết đúng nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn hạn chế, bất cập...
Về việc triển khai thực hiện giám sát tại đơn vị, địa phương, đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố với tiêu chí là các địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; về thực hiện chính sách với người có công. Tại mỗi địa phương, đoàn giám sát sẽ trực tiếp xem xét, có ý kiến vào các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.
Thường trực đoàn giám sát sẽ đề xuất lãnh đạo Quốc hội, đoàn giám sát tổ chức cuộc làm việc chung của đoàn với từng bộ, ngành về một số lĩnh vực quản lý nhà nước tiềm ẩn, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.