Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Phải hài hòa, tính đến lộ trình dài hơi

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ trở lên và bia ở mức 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030; với rượu dưới 20 độ, bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026, sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2030.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Bộ Tài chính công bố mới đây có nội dung về dự kiến tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia và nước giải khát có đường, đang được dư luận quan tâm. Ý kiến của ông về dự thảo này như thế nào?

* TS NGUYỄN NGỌC TÚ: Mục tiêu chính của sắc thuế này là nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và nhằm điều tiết các hàng hóa, dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích sử dụng vì các yếu tố môi trường, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.

H1c.jpg
TS Nguyễn Ngọc Tú

Hiện nay, mức thuế TTĐB đang áp cho rượu, bia và đồ uống có cồn cũng đã ở mức từ 60%-65%. Tất nhiên, nhìn vào con số này mà so với thuế suất thì Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng thuế TTĐB. Nhưng, bên cạnh thông lệ và cơ sở lý thuyết ấy, thì đối với mỗi nước, họ tính thuế TTĐB căn cứ theo điều kiện quản lý, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập, tập quán tiêu dùng, tập quán xã hội đặc thù. Mục đích là để tránh bị “sốc” chính sách.

Riêng với mặt hàng rượu, bia ở Việt Nam, thời gian qua, ngoài chính sách thuế thì cũng đã có một loạt chính sách khác tác động đến mặt hàng này, như các quy định về Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá, hay quy định về cấm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Hành vi tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng rượu, bia thời gian qua cũng đã giảm dần, nghĩa là chúng ta đã đạt được mục đích đặt ra.

Trong kiến nghị của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) gửi lên Chính phủ gần đây có kiến nghị cơ quan chức năng nên tính toán đến kéo dài lộ trình tăng thuế TTĐB. Theo ông, lộ trình tăng thuế TTĐB của dự thảo đưa ra đã hợp lý?

* Theo tôi, vấn đề cần quan tâm lúc này khi dự kiến tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia đó chính là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Họ sẽ chịu những tác động gì và tác động đó ảnh hưởng ra sao đến nguồn thu thuế của Nhà nước?

Tôi cho rằng chính sách thuế TTĐB cần phải tính đến lộ trình dài hơi hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính và cần tính toán đến các tác động. Nếu có nhu cầu tăng thuế, cần phải có lộ trình và mỗi lần tính thuế phải có bước đi tối thiểu là 10 năm. Ví dụ, hiện nay, xây dựng thuế TTĐB, thì lộ trình tối thiểu mỗi bước đi ấy phải là đến năm 2035, 2045. Điều này để tránh tình trạng “giật cục” về mặt chính sách, khiến doanh nghiệp khó xoay xở. Cũng cần nói thêm, thực tế có lúc tại Việt Nam, việc sửa đổi chính sách giống như “nhắm mắt bốc thuốc”, hệ quả là khiến chính sách sau khi xây dựng xong, đến khi áp dụng vào thực tiễn lại không đạt hiệu quả như mong muốn.

Khi một chính sách thuế áp dụng, đối tượng chịu tác động không chỉ có người tiêu dùng mà còn có cả doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có chính sách, kế hoạch phát triển của riêng mình, thậm chí có những dây chuyền sản xuất, công nghệ máy móc họ mới đầu tư, vòng đời có thể lên đến 5-10 năm. Do đó, khi chính sách thuế thay đổi, doanh nghiệp sẽ trở tay không kịp, không kịp thay đổi và chắc chắn họ sẽ chịu thiệt hại. Nên, chính sách thuế cần phải tính toán lộ trình phù hợp là thế.

Nhìn lại quá khứ, 12 lần cải cách thuế TTĐB đối với rượu, bia và đồ uống có cồn từ năm 1990 đến nay, có thể thấy tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế này như thế nào. Có những lúc đã có những cuộc tranh cãi rất gay gắt. Nguyên nhân là chưa tính đến mức độ hài hòa lợi ích giữa 3 chủ thể là Nhà nước (cơ quan quản lý) - doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh, cung cấp) - người dân (người tiêu dùng).

Khi cơ quan soạn thảo đưa ra phương pháp tính thuế, thuế suất, chính sách cần đảm bảo đồng bộ để doanh nghiệp ổn định trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bởi việc thay đổi chính sách chắc chắn ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, cần tránh rủi ro quá mức khi điều chỉnh chính sách.

Như trên ông đã nói, điều quan trọng của chính sách (trong đó có chính sách thuế) là phải cân nhắc, xem xét kỹ đến tính thực thi và hiệu quả sau khi được ban hành. Bởi có những chính sách xét trên lý thuyết thì hợp lý, song khi áp dụng lại không đạt được hiệu quả như mong muốn?

* Đầu tiên, tôi phải nói đến tinh thần xây dựng chính sách, đó là phải hài hòa. Đến nay, kinh tế Việt Nam tuy có tăng trưởng khá, song nhìn chung vẫn là nền kinh tế nằm trong nhóm đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người tuy có được cải thiện, nhưng vẫn thấp. Các doanh nghiệp vẫn nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp.

Tóm lại, doanh nghiệp trong nước tuy có bước phát triển nhưng năng lực cạnh tranh vẫn nhỏ lẻ. Chính vì vậy bất kỳ một chính sách thuế nào được xây dựng và áp dụng phải cân nhắc, không tăng thêm gánh nặng cho cả người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, chính sách thuế khi xây dựng cũng cần phải tính kỹ đến tác động và khả năng thực thi. Bởi tăng thuế TTĐB, công tác quản lý thuế có phát triển đồng bộ đi kèm hay không, đó cũng là vấn đề đặt ra. Đơn cử như dự định tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia lên mức 100%, song công tác quản lý thuế đối với mặt hàng này sẽ như thế nào khi mà các cơ sở sản xuất rượu truyền thống hiện nay vẫn không quản lý được.

Như vậy sẽ kéo theo câu chuyện tạo nên sự thiếu công bằng về thuế. Hay như khâu quan trọng nhất đó chính là quản lý đối với buôn lậu rượu, bia. Bởi khi thuế TTĐB tăng cao, cũng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm khi bán đến tay người tiêu dùng tăng cao, biến mặt hàng này thành loại hàng hóa siêu lợi nhuận, trở thành đích ngắm đến của buôn lậu. Chúng ta có đủ sức kiểm soát tình trạng này hay không?

Nếu không kiểm soát được, khi ấy sẽ xảy ra tình trạng “hiệu ứng ngược” của chính sách thuế khi mà rượu, bia nhập lậu bán tràn lan trong khi Nhà nước vẫn không thể thu được thuế từ mặt hàng này.

Tin cùng chuyên mục