Chiều muộn hôm nay (17-9) tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo đột xuất để chia sẻ quan điểm của tổ chức này về 2 nội dung đang được đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm: “thời giờ làm việc” và “thời giờ nghỉ ngơi” của người lao động trên cả nước.
Tại cuộc họp báo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra quan điểm như sau:
Theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên).
Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước.
Về giờ làm việc trung bình năm, Việt Nam cũng đang là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới, với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ - cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Bangladesh.
Trung Quốc là nước có tương đồng về chế độ chính trị với Việt Nam nhưng hiện nay, số làm việc bình thường là 40 giờ/tuần, số ngày nghỉ lễ là 21 ngày/năm.
Trong khi đó, hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của người lao động.
Vì vậy, tại cuộc họp báo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra đề nghị, việc xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở.
Đặc biệt, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong 1 năm với hai phương án như sau:
Phương án 1: nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 đến 5-9 hàng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học).
Phương án 2: nghỉ 1 ngày vào “Ngày Gia đình Việt Nam” 28-6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp người lao động có thêm một số ngày nghỉ trong năm để được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình, góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
So sánh số ngày nghỉ trong 1 năm của các nước trên thế giới: Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc là 21 ngày; Nhật Bản là 16 ngày. |