Ngày 18-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia góp ý, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật và đề xuất tăng mức đóng BHYT lên, giảm mức hỗ trợ đối với các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số.
Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật.
Công tác tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Bên cạnh đó, một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…
Dự thảo luật cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm (thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay). Tuy nhiên, mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay. Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng bảo BHYT trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.
Hiện tại, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng BHYT là 804.000 đồng/năm, nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.
“Việc giảm mức hỗ trợ mua bảo BHYT cho các thành viên hộ gia đình là để ngang bằng với mức hỗ trợ 30% của học sinh, sinh viên hiện nay. Trong khi đó, hầu hết những người tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm có điều kiện kinh tế, không phải là đối tượng nghèo, cận nghèo, trong khi mức đóng lại thấp hơn nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là không công bằng”, ông Phan Văn Toàn phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nên bỏ tất cả các mức đồng chi trả của BHYT hiện nay như: 80%; 95% hay 100%. Thay vào đó, BHYT chỉ tồn tại một mức chi trả duy nhất là 100% cho tất cả các đối tượng.
“Hiện mức phí BHYT hiện nay là 4,5% lương cơ sở phải được nâng cao lên, ít nhất là chiếm 20% lương cơ sở, tức cao gấp 4,4 lần hiện nay. Bên cạnh đó, các bệnh viện nên mạnh dạn đưa bảo hiểm xã hội ra tòa khi có tranh chấp về xuất toán, thay vì “ngồi đó cãi tới cãi lui”.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác giám định BHYT là một nhiệm vụ rất cơ bản và đặc thù trong lĩnh vực BHYT và hoạt động về giám định được quy định trong Luật BHYT do cơ quan BHXH thực hiện. Tuy nhiên, thực tế công tác giám định còn nhiều vướng mắc về cả quy trình, nội dung giám định, phương pháp và công cụ giám định. Giám định theo tỷ lệ, giám định theo chuyên đề, giám định trên hệ thống thông tin điện tử đang được đồng thời triển khai.
Bên cạnh đó, công cụ giám định, nhất là phương pháp giám định chưa được pháp lý hóa, và thiếu các quy định về chuyên môn trong khám chữa bệnh, cũng như hạn chế về năng lực của người làm giám định là những vấn đề tồn tại lâu dài chưa được khắc phục; quy trình, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá sự hợp lý của việc sử dụng dịch vụ y tế, cũng như quy trình, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với các thông báo kết quả giám định chưa thực sự chặt chẽ.
Việc đề xuất thành lập cơ quan giám định BHYT độc lập, tách khỏi cơ quan BHXH hiện nay được đông đảo đại biểu ủng hộ. Theo đó, nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên do Bộ Y tế ban hành (hoặc vẫn giữ như hiện nay nhưng Bộ Y tế quy định nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên).