Phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày, thẩm tra các dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghiệm vụ, ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2020, phương hướng nhiệm vụ, ngân sách quốc phòng năm 2021…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, trình bày Tờ trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để thực hiện yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; tinh gọn đầu mối; đảm bảo thống nhất trong bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo luật điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung.
Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.
Dự thảo luật cũng quy định cụ thể về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quá rộng và nhiệm vụ rất nặng; chưa chặt chẽ và thiếu cụ thể về phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động.
“Đề nghị quy định cụ thể hơn những nhiệm vụ được chủ động thực hiện, những nhiệm vụ chỉ thực hiện với vai trò tham gia, hỗ trợ lực lượng công an chính quy. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể hơn về phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện nhiệm vụ, xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự”, ông Nguyễn Minh Đức nói. Những nội dung bổ sung sẽ giúp tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật; đồng thời, rà soát kỹ từng nhiệm vụ, quyền hạn đảm bảo chặt chẽ, tránh chồng chéo với quy định của các luật liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cũng cho biết, nhiều ý kiến nhất trí đối với quy định về đảm bảo điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng này như dự thảo luật và đề nghị chi trả phụ cấp hàng tháng đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ an ninh trật tự để tương xứng với trách nhiệm được giao; đồng thời nghiên cứu tăng kinh phí, chế độ chính sách cho lực lượng này bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, kể cả trong trường hợp bị thương hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.