Đại biểu Phạm Đức Hải lấy dẫn chứng là Sở LĐ-TB-XH TP thường xuyên tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP ban hành chế độ cho các giáo dục viên ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các bác sĩ; thậm chí chế độ ăn cho người nghiện tại các cơ sở cũng được HĐND biểu quyết thông qua theo hướng tăng lên. “Nên không lý gì không có thêm chế độ cho thư ký tòa án”, đại biểu Phạm Đức Hải nói.
Theo đại biểu Phạm Đức Hải, Tòa án TP hiện có khoảng 600 thư ký. Nếu đề nghị mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng thì không phải con số quá lớn, HĐND TP hoàn toàn có thể xem xét thông qua, từ đó giúp ngăn chặn được sự sụt giảm nhân sự tòa án.
Vấn đề nhân sự xin nghỉ việc, chuyển công tác khỏi các đơn vị thuộc ngành tư pháp TPHCM thời gian qua được nhắc đến nhiều lần ở các diễn đàn, trong đó có cả diễn đàn Quốc hội. Nguyên nhân chính được đưa ra là áp lực công việc quá lớn, trong khi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Sáng 14-11, báo cáo trước Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Viện KSND TPHCM cho biết, trong năm 2019, toàn ngành kiểm sát TPHCM có 24 trường hợp xin nghỉ việc, đa phần lý do là đời sống lương thấp, chưa đảm bảo đời sống, áp lực công việc quá lớn. Sau khi nghỉ, có người đã ký hợp đồng làm việc với văn phòng luật sư lương 20 triệu đồng, hoặc làm tại văn phòng công chứng lương 30 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, đây cũng là áp lực lớn để giữ chân cán bộ.
Trong ngành thi hành án dân sự, số người nghỉ, xin chuyển công tác cũng tăng lên. Cụ thể, năm 2018 toàn ngành có 7 người nghỉ việc, 2 người xin chuyển công tác. Năm 2019 có 12 người nghỉ việc, 6 người xin chuyển công tác.
Vừa qua Cục Thi hành án và Viện KSND TPHCM cũng đã có kiến nghị TPHCM chi hỗ trợ, ddo các ngành này hưởng chế độ theo ngành dọc, không được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm của TPHCM như các cơ quan đơn vị khác trên địa bàn TP.
Trong thời gian từ 1-12-2018 đến 31-10-2019, TAND hai cấp TPHCM thụ lý mới 50.464 vụ việc các loại, tổng số án phải giải quyết là 63.469 vụ việc (sơ thẩm 61.455 vụ việc; phúc thẩm 2.014 vụ việc); giải quyết 41.092 vụ việc (sơ thẩm 39.586 vụ việc; phúc thẩm 1.506 vụ việc), đạt tỷ lệ 64,74%; còn lại 22.377 vụ việc đang trong quá trình giải quyết, trong đó có 5.982 vụ việc đang tạm đình chỉ, chiếm 26,73%; 615 vụ việc quá hạn luật định, chiếm 2,75%. So với cùng kỳ năm 2018, lượng án thụ lý mới tăng 1.605 vụ việc, tổng lượng án phải giải quyết ít hơn 7.418 vụ việc, lượng án giải quyết ít hơn 7.301 vụ việc, tỷ lệ giải quyết thấp hơn 3,53%. Bên cạnh các thuận lợi, TAND hai cấp vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc; đội ngũ cán bộ, công chức còn thiếu, đặc biệt là chức danh Thư ký. |