Ngày 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022. Cung cấp những cơ sở cho quyết định quan trọng này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TC-NS) đã có báo cáo thẩm tra gửi đến cơ quan thường trực của Quốc hội.
Theo báo cáo, đa số ý kiến thống nhất với việc trình UBTVQH điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết vì một số lý do.
Thứ nhất, Chính phủ đề xuất giảm thuế chủ yếu do giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, giá dầu thô từ mức đỉnh khoảng 130USD/thùng hiện đang dao động quanh mức 100-110USD/thùng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế theo đề xuất của Chính phủ có thể không thực sự cần thiết.
Thứ hai, việc giảm thuế này không thật sự phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế BVMT, không bảo đảm tính công bằng đối với các đối tượng đang chịu thuế BVMT theo Luật Thuế BVMT.
Thứ 3, việc giảm thuế chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ tạo ra dư luận cho rằng Việt Nam không hướng đến mục tiêu giảm tác động có hại đến môi trường.
Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thuế BVMT, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ nên đề xuất điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu.
Trong số các nội dung cụ thể, Ủy ban TC-NS đề nghị mức thuế đối với nhiên liệu bay vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 của UBTVQH, không quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức thuế đối với nhiên liệu bay quy định tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 của UBTVQH (giảm từ 1.500đ/lít xuống mức 1.000đ/lít) để hỗ trợ ngành hàng không và thể hiện nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.
Về đề xuất các mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chính phủ đề xuất mức thuế đối với từng mặt hàng quy định trong dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Xăng (trừ etanol) mức thuế 2.000đ/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế 1.000đ/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); Dầu hỏa mức thuế 300đ/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành). Đa số ý kiến thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, trừ dầu hỏa và bổ sung số liệu so sánh giá xăng dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng dầu ra bên ngoài.
Một số ý kiến cho rằng, mức độ điều chỉnh giảm thuế BVMT cần được tính đến diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới trong những ngày gần đây và không nên giảm đều cho tất cả các mặt hàng (trừ dầu hỏa) ở mức 50%. Theo đó, đề nghị giảm đối với mặt hàng xăng xuống mức 2.500đ/lít, tương đương giảm gần 38% so với mức hiện hành; các mặt hàng dầu (dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) giảm 50%; dầu hỏa giảm 70% so với mức hiện hành.
Có ý kiến cho rằng, giá dầu thô biến động lớn, khó lường, có thể xây dựng phương án giảm thuế BVMT theo mức giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu BVMT, cân đối NSNN, cụ thể như: Giá dầu thô < 80USD/thùng giữ mức thuế như quy định hiện hành; giá dầu thô từ 80USD-130USD/thùng có thể giảm 1.000đ/lít đối với xăng, các mặt hàng khác giảm tương ứng (giảm 25% so với hiện hành); giá dầu thô từ 130USD/thùng trở lên thì giảm 1.500đ-2.000đ/lít (tương đương giảm 38%-50% so với hiện hành).
Về tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra, tờ trình của Chính phủ nêu tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của nhiều nước trên thế giới .
Một số ý kiến cho rằng, với tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra thấp hơn mức bình quân chung của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc đề xuất giảm thuế là không thực sự thuyết phục vì nếu thuế chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong giá bán thì việc giảm thuế có thể không thực sự tác động lớn đến việc giảm giá bán xăng dầu, không đạt được mục tiêu đặt ra, song lại ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu NSNN.
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến cho rằng, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước. Việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) cụ thể trong phạm vi khung thuế suất và mức cam kết với WTO là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như vậy sẽ bảo đảm tối đa tính kịp thời và linh hoạt.
Trong giai đoạn trước đây khi Việt Nam phụ thuộc lớn vào xăng dầu nhập khẩu, Chính phủ đã thường xuyên sử dụng công cụ điều hành này để điều chỉnh giá bán trong nước. Vì vậy, bên cạnh việc giảm thuế BVMT theo thẩm quyền của UBTVQH, Chính phủ cũng cần cân nhắc thêm phương án giảm thuế nhập khẩu MFN một cách phù hợp, đặc biệt là đối với xăng, trên cơ sở đánh giá sản lượng sản xuất trong nước, kim ngạch nhập khẩu từ các nước hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt FTA và nhu cầu nhập khẩu từ các nước áp dụng thuế suất MFN. Việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu. Hiện tại dư địa điều chỉnh thuế MFN khá lớn (thuế suất MFN đối với xăng là 20%, đối với mặt hàng dầu và nhiên liệu bay là 7%).