Đề xuất sớm triển khai hơn 80km đường cao tốc kết nối Nha Trang – Đà Lạt

Tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt được đề xuất xây dựng hoàn chỉnh với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ lưu thông 100km/giờ.

Chiều 4-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa liên quan đến ba dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Nha Trang – Đà Lạt.

lamdong_khanhhoa.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, Khánh Hòa và Lâm Đồng đã nhiều lần họp bàn về triển khai tuyến cao tốc kết nối giữa Nha Trang và Đà Lạt.

IMG_0096.JPG
Ông Trần Hòa Nam trình bày đề xuất tại buổi làm việc. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trong quy hoạch, đây là dự án thuộc tuyến cao tốc Nha Trang – Liên Khương đầu tư sau năm 2030, tuy nhiên theo quy định tại khoản 2, mục III Điều 1, của Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã - hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn. Ông Trần Hòa Nam đề xuất Chính phủ cho phép triển khai đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ giữ vai trò chủ đầu tư dự án.

063a249baba00cfe55b1.jpg
Nút giao dự kiến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt kết nối với cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hòa

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề nghị được tổ chức nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án đường bộ cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

IMG_0104.JPG
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải phát biểu

“Hiện nay giữa Nha Trang và Đà Lạt được kết nối bằng quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở, thời gian di chuyển hiện khá dài, khoảng 3,5 giờ. Nếu triển khai cao tốc dài khoảng 81km, vận tốc 100km/giờ thì sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển”, ông Nguyễn Viết Hải cho biết.

Lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải cho biết, dự án nếu được chấp thuận sẽ được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe (rộng 3,75m/làn) và 2 làn dừng khẩn cấp với kinh phí 25.000 tỷ đồng.

Đối với dự án đi qua khu vực có diện tích rừng lớn, dự kiến tác động khoảng 409ha rừng, đơn vị thi công sẽ áp dụng các giải pháp kỹ thuật như cầu cạn, tường chắn, cầu đúc hẫng khẩu độ lớn, kéo dài hầm… để giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng. Khi đó, diện tích rừng tác động giảm còn 284 ha.

882df4b77d8cdad2839d.jpg
Phương án cầu cạn được nhà đầu tư đề xuất để hạn chế chiếm dụng diện tích rừng tại dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Hoan nghênh sự quyết tâm, tâm huyết với nghề nghiệp của Tập đoàn Sơn Hải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tuyến đường có khả năng sạt lở rất lớn nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là về giải pháp kỹ thuật. Phó Thủ tướng đánh giá dự án có tầm quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Theo Phó Thủ tướng, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT, Tập đoàn Sơn Hải, hai địa phương Khánh Hòa, Lâm Đồng phải có sự đồng hành vì còn rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, giải pháp công nghệ. Bộ GTVT phải chủ động nghiên cứu đưa ra phương án tối ưu nhất.

IMG_0087.JPG
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh sự quyết tâm của đơn vị đề xuất làm cao tốc kết nối Nha Trang - Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

“Về mặt kỹ thuật, phải đầu tư công nghệ, thiết bị, con người. Phải tính toán rất cụ thể, từ góc độ về mặt kỹ thuật sẽ đưa ra phương án tối ưu. Khi đó sẽ đưa ra phương án đầu tư”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về mặt pháp lý, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao các đơn vị tính toán phương án để trình cấp thẩm quyền. Bộ GTVT trên cơ sở tiếp nhận trình Quốc hội về quy mô đầu tư (vốn nhà nước, nhà đầu tư), Thủ tướng Chính phủ để quyết định.

Tin cùng chuyên mục