Đề xuất Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh

Sáng 8-6, trước Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tờ trình về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Theo tờ trình, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

8fc1f6f3a0b703e95aa6.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự phiên họp của Quốc hội sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.

Tờ trình cũng nêu rõ tác động về lao động, việc làm và xã hội là không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm. Mặt khác còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.

e978028e8bcb289571da.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa.

Việt Nam cũng sẽ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của Vương quốc Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

85ce55d30297a1c9f886.jpg
Đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc sáng 8-6 của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư (đến nay đã có 3 thành viên CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục trong nước, gồm Singapore, Nhật Bản và Chile).

7122561c0058a306fa49.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với các nội dung nêu trên, căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn văn kiện như đã nêu tại tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo thuyết minh của Chính phủ.

4d55d85da51906475f08.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà báo cáo thẩm tra tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC

“Việc Quốc hội phê chuẩn văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Tin cùng chuyên mục