Ngày 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, thực tế từ năm 2011-2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị). Còn theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập với khối lượng công việc rất lớn (111 quy hoạch), trong khi từ nay đến cuối năm 2022 chỉ còn 8 tháng với rất nhiều công việc cần giải quyết (công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng, các công việc phát sinh để xử lý các vấn đề mới, đột xuất…). Tất cả các quy hoạch đang được triển khai tích cực, song số lượng cần phê duyệt còn lại là rất lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch sau quá trình thảo luận, lấy ý kiến kỹ lưỡng, lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Việc ban hành và triển khai Luật Quy hoạch đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đây là việc mới, khó nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, các cơ quan đã tích cực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý và có không ít việc chưa làm được. Việc lập các quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội thứ XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Các nội dung chủ yếu trình Quốc hội bao gồm việc đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên phải lập, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước. Điều chỉnh quy định về chi phí, cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia theo hướng tập trung vào các quan điểm, định hướng chiến lược, không gian phát triển, những vấn đề có tác động, chi phối lớn đến công tác quy hoạch ở cấp dưới…
Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1-1-2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt. Đồng thời, cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với các tiêu chí, tiêu chuẩn cho rõ và cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, triển khai các công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ đề xuất, trao đổi, thống nhất với Đảng đoàn Quốc hội trước khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định, trên tinh thần bảo đảm tiến độ kịp thời nhưng nâng cao chất lượng, có tính khả thi.