Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, lần đầu tiên, Bộ GTVT bổ sung tàu lặn du lịch vào đối tượng quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.
Hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 mới chỉ quy định về đăng ký và đăng kiểm với loại phương tiện này, chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nguy cơ rủi ro về an toàn giao thông và công tác tìm kiếm cứu nạn khi gặp sự cố.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất tàu lặn chỉ được phép hoạt động lặn tại khu vực riêng đã được công bố khi đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu lặn và quy trình vận hành an toàn tàu lặn.
Khi tiến hành hoạt động lặn, ngoài những người điều khiển tàu lặn thuộc thuyền bộ và hành khách đi theo tàu lặn, chỉ những người có nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận mới được phép lên tàu.
Đồng thời, tại các khu vực quy định, chủ tàu, người khai thác tàu lặn phải bố trí phương tiện giám sát, cảnh giới, điều tiết giao thông khu vực lặn và giám sát quá trình lặn; chỉ huy hoạt động lặn phải có mặt trên phương tiện hỗ trợ tàu lặn khi tổ chức hoạt động lặn và duy trì liên lạc với cảng vụ hàng hải thông qua các thiết bị thông tin liên lạc. Tàu lặn phải hoạt động đúng quy trình vận hành đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo nghị định cũng đề xuất trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan tới hoạt động tàu lặn như trách nhiệm của chỉ huy hoạt động lặn; chủ tàu, người khai thác tàu lặn chở khách; thuyền trưởng các phương tiện, trách nhiệm của hành khách...
Ở Việt Nam đã xuất hiện loại hình tàu lặn biển phục vụ du khách. Đây là sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch địa phương. Ưu điểm của loại hình này là ít ảnh hưởng đến hiện trạng môi trường tự nhiên do không xây bến cố định và khu vực hoạt động không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường thủy, hàng hải...