Ngày 15-9, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các cảng hàng không, cảng biển đều đã hoạt động trở lại bình thường.
Với đường sắt, đến 16 giờ 30 phút ngày 14-9, các tuyến đường sắt phía Bắc đã thông đường, riêng tuyến Yên Viên - Lào Cai vẫn đang phong tỏa từ Đoan Thượng - Lào Cai để các đơn vị khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra. Dự kiến trong ngày 15-9 sẽ thông đường.
Với đường thủy nội địa, tại các địa phương gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, có 10/763 cảng, bến đã hoạt động trở lại. Các cảng bến chưa hoạt động dự kiến sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại tại cảng, bến.
Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương còn 98/155 cảng, bến chưa hoạt động. Thời gian dự kiến hoạt động trở lại sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn.
Ở lĩnh vực đường bộ, thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc, có 4.177 vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).
Trên các tuyến quốc lộ đã có 820 vị trí bị tắc, trong đó có 567 vị trí tắc do sạt lở, hư hỏng công trình, hiện đã khắc phục được 555 vị trí để thông xe; 253 vị trí tắc đường do ngập nước, hiện nay nước đã rút và đã khắc phục để thông xe 246 vị trí. Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả lưới điện 500 kV đã được khôi phục. Các đường dây 220, 110 kV đã được khôi phục, mỗi cấp điện áp chỉ còn vài đường chuẩn bị khôi phục, tuy nhiên không ảnh hưởng đến cấp nguồn cho phụ tải do có thể lấy từ các đường dây khác; các nhà máy điện đã hoạt động trở lại; đã cấp điện trở lại cho hơn 5,4 triệu khách hàng/tổng số 6,1 triệu khách hàng bị mất điện.
Về công tác bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mì có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam ra và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bão số 3 đã làm mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố với 6.285 trạm BTS (trạm thu phát sóng) bị ảnh hưởng do mất điện. Để đảm bảo liên lạc được thông suốt, các doanh nghiệp đã khôi phục được 4.012 trạm, còn 2.273 trạm đang tiếp tục được xử lý.
Bộ TT-TT cũng đã quyết định kéo dài thời điểm tắt sóng 2G thêm một tháng, đến ngày 15-10 để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết đủ cho doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3...
Đề xuất một số giải pháp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Các chính sách hỗ trợ phải phát huy sự chủ động, nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương, tập trung vào những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương để giảm bớt thời gian trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ KH-ĐT đề xuất cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là giải pháp bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân. Bộ KH-ĐT đề nghị tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, tạo "tác động kép" đến đời sống người dân, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Bộ KH-ĐT đề nghị thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ; tối thiểu 30 triệu đồng cho di dời nhà ở… Bộ đề nghị nghiên cứu miễn, giảm học phí cho đối tượng học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.
Bộ KH-ĐT cũng đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét… ; mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.
Bộ cũng đề nghị cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6; tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đến hết tháng 12.
Với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ, Bộ KH-ĐT đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như cho phép doanh nghiệp sửa, xây dựng lại nhà xưởng trước, làm giấy phép xây dựng sau, giảm điều kiện, quy định về phòng cháy, chữa cháy… để doanh nghiệp sớm quay trở lại hoạt động…