Ngày 20-12, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo "Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước Pháp quyền XHCN tại Việt Nam".
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi về những nội dung có ý nghĩa quan trọng và thiết thực liên quan nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đã được hiến định, nhất là trong bối cảnh cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy như hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động tư pháp. Theo TS Lê Việt Sơn (Trường Đại học Luật TPHCM), mức độ kiểm soát của Tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật còn hạn hẹp. Quyền hạn cao nhất của Tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật là chỉ có quyền làm mất đi hiệu lực thi hành.
Tòa án không được quyền trực tiếp sửa đổi, bổ sung hay thực hiện hành vi hành chính mới thay thế đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị Tòa án tuyên trái pháp luật.
Để khắc phục tình trạng trên, TS Lê Việt Sơn cho rằng, cần thiết lập cơ chế để bảo đảm cho phán quyết của tòa án được thực thi nhanh chóng, thông qua việc thành lập cơ quan lâm thời thực thi, hoặc cho phép Tòa án được sửa đổi nội dung của quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính một số trường hợp cụ thể. Việc sửa đổi theo hướng này sẽ giúp giúp cho việc kiểm soát của Tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật đạt được hiệu quả hơn.
Đồng thời, cần phải bổ sung cơ chế bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được thực thi trên thực tế, tránh đi trường hợp người bị kiện lại ban hành các quyết định tương tự như các quyết định đã bị hủy bỏ trước đó.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để xây dựng Nhà nước pháp quyền thì cần phải mở rộng hơn thẩm quyền kiểm soát quyền lập pháp, quyền hành pháp của cơ quan tư pháp.
Trao đổi thêm tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp và giám sát giữa các cơ quan để đảm bảo việc thực thi các quy định pháp luật được hiệu quả hơn. Từ đó, rút ngắn quy trình xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND địa phương.