Đề xuất mô hình luật sư tư vấn miễn phí cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: QUOCHOI
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: QUOCHOI

Trong khuôn khổ phiên họp của UBTVQH chiều 14-9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%.

Về khiếu nại: So với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo: So với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).

Theo ông Lê Minh Khái, nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các tiêu chí cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là góp phần phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp và các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phục hồi nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận.

Nguyên nhân là do chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực còn bất cập; một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; công tác xử lý đơn thư còn chậm và có sai sót. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa đạt mục tiêu đề ra. Số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2019, hiệu quả còn hạn chế…

Dự báo tình hình trong thời gian tới, ông Lê Minh Khái cho biết: “Năm 2021 tình hình khiếu nại, tố cáo dự báo sẽ vẫn diễn biến phức tạp”. Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhất là tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Đáng lưu ý, theo ông Lê Minh Khái, một trong những việc làm hết sức quan trọng là tăng cường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư để hạn chế chuyển đơn trùng lắp và tình trạng người khiếu nại tái khiếu đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đạt chỉ tiêu, chất lượng giải quyết còn thấp 

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, các lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước. Khiếu nại tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ 61,5 % tổng số đơn; trong khi tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ... tập trung vào lĩnh vực hành chính (chiếm tỷ lệ 64,8%).

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tập trung đông người ẩn chứa yếu tố tôn giáo hoặc có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật lưu ý, theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019.

“Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần 1 phải sửa hoặc hủy; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 12,9% tố cáo tiếp là đúng và 25,7% tố cáo tiếp có đúng, có sai. Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, cơ quan thẩm tra thống nhất với Chính phủ về yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của từng bộ, ngành và các địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá gắn với mục tiêu cụ thể để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã có Báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nêu rõ, nhận thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 47%, giảm so với cùng kỳ năm 2019, chưa đạt tỷ lệ 60% theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán đạt cao (91,2%), nhưng báo cáo chưa phân tích cụ thể các dạng sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc TAND làm cơ sở để rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành.

Về tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKSND, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được coi là có chuyển biến tích cực hơn, tỷ lệ giải quyết đạt 50,2%, tăng 6,3% so với năm 2019.

“UBTP đánh giá giá cao việc VKSND các cấp chủ động rà soát, kiểm tra các vụ, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực, phát hiện và hủy 18 quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ, trái pháp luật”, bà Lê Thị Nga nhận định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội là trên 60%...

BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục