Ngày 11-1, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học cấp thành phố với chủ đề “Mô hình chính quyền đô thị, thực tiễn và giải pháp áp dụng tại TPHCM”.
Nêu ý kiến tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhìn nhận, TPHCM là nơi triển khai xây dựng chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước. Đây được xem là sứ mệnh người đi đầu cũng là nhu cầu cấp thiết của thành phố, một đô thị lớn nhất của cả nước.
Theo bà Phạm Phương Thảo, thực hiện chính quyền đô thị phải đẩy mạnh được phân cấp ủy quyền, phân định rõ được nội dung nào thuộc thẩm quyền của UBND, nội dung nào thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND. “Chuyện gì cũng đem ra xin ý kiến tập thể ủy ban thì rất chậm”, bà Phạm Phương Thảo nhận xét và cho rằng cần tổ chức bộ máy theo hướng ủy ban hành chính, chủ tịch thành phố là thị trưởng thì sẽ xử lý công việc nhanh hơn.
Nhắc đến việc thí điểm mô hình 2 trong 1 (Bí thư Đảng ủy phường đồng thời là Chủ tịch UBND phường), bà Phạm Phương Thảo cho rằng cần phải tổng kết đánh giá xem mô hình đó hiệu quả như thế nào. Theo bà, mô hình này chắc chắn giúp việc xin ý kiến nhanh hơn, nếu hiệu quả thì nên đề xuất nhân rộng.
Ngoài ra, cũng cần xem xét, phát huy vai trò của các sở, ngành theo hướng không chỉ là cơ quan tham mưu mà phải là cơ quan quản lý. “Không thể cái gì cũng tham mưu rồi đẩy lên ủy ban cho ông chủ tịch, như vậy là đẩy áp lực lên cấp trên” bà nói và kiến nghị nên quy định rõ sở, ngành phải là cơ quan quản lý, thẩm quyền được phân theo từng ngành, từng lĩnh vực chuyên môn.
Ở một thành phố đông dân như TPHCM, bà Phạm Phương Thảo cũng nhìn nhận đã đến lúc thành phố phải quản lý theo hướng tập trung, giao trách nhiệm rõ ràng, cấp nào làm tốt nhất thì giao cấp đó.
Cũng phân tích các mặt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, ở góc độ vĩ mô, cần bàn kỹ và đề xuất hướng xa hơn để tạo lập khung pháp lý ổn định, bền vững cho việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không chỉ riêng cho TPHCM, mà cho cả nước. Trước mắt, cần định vị mô hình chính quyền đô thị một cách rõ ràng với cơ chế các quy định cụ thể, minh định rõ ràng hơn.
“Tránh tình trạng cơ chế, thẩm quyền thiếu lại đi xin, được cho rồi lại thiếu và thiếu lại đi xin... và vòng tròn đó cứ lặp lại, thiếu tính ổn định, bền vững. Đặc biệt, với TPHCM, nếu không có khung pháp lý rõ ràng thì rất khó thực hiện, làm lỡ nhịp các cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước. Có thể bàn đến một luật riêng cho TPHCM để tạo lập khung pháp lý căn cơ hơn, ổn định hơn cho TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, các cơ chế thí điểm và các sứ mệnh, nhiệm vụ khác cho cả nước trong thời gian tới”, TS Bùi Ngọc Hiền nói.
Riêng đối với TPHCM, TS Bùi Ngọc Hiền cho rằng, Thành phố cần phải chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu quản trị đô thị TPHCM hiện đại, kết hợp thực hiện mô hình chính quyền đô thị với thực hiện các cơ chế thí điểm, khi TPHCM như một “sandbox” lớn của cả nước với rất nhiều thách thức, áp lực và những vấn đề đặt ra trong quản lý, phát triển. Thực tế này đặt ra những yêu cầu mới đối với phẩm chất, năng lực của từng cán bộ, công chức.
Đồng thời, cũng cần bàn đến câu chuyện nâng cao chất lượng công vụ. Theo đó, trước mắt, thành phố cần tổng rà soát toàn bộ cơ chế, thủ tục hành chính, thao tác hành chính để tránh sự chồng chéo, xung đột, vướng mắc giữa các cơ chế, thủ tục hành chính, từ đó mạnh dạn bãi bỏ hoặc đơn giản hóa để chính quyền đô thị của TPHCM vận hành trôi chảy hơn…
TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, thực hiện chính quyền đô thị trong bối cảnh được thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98, TPHCM cần quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, Chính phủ cần có tổng kết Nghị định số 33, cụ thể là phân tích những “điểm vênh” với pháp luật chuyên ngành, với Nghị quyết số 98 để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành tích cực phối hợp với TP triển khai thực hiện các đề án có liên quan; căn cứ đề xuất cụ thể của thành phố trên từng nội dung, lĩnh vực, Chính phủ xem xét, sớm điều chỉnh hoặc ban hành Nghị định có liên quan theo hướng giao thành phố chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố trên cơ sở hành lang pháp lý của Nghị quyết 98.