Chiều 4-11, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, liên quan đến việc quản lý và giải pháp xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành đơn vị liên quan căn cứ nhu cầu chuyển đổi, thu hút đầu tư công nghệ xử lý chất thải của thành phố theo hướng áp dụng công nghệ đốt rác phát điện là chủ lực và công nghệ này không yêu cầu phân loại chất thải đầu vào, thống nhất theo hướng điều chỉnh phương pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thành 2 nhóm. Cụ thể, nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Theo đó, nhóm chất thải còn lại được thu gom hàng ngày và chuyển giao về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố; nhóm chất thải có thể tái chế được thu gom vào thứ bảy hoặc chủ nhật tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương và được chuyển giao cho các nhà máy tái chế.
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14 -11- 2018 của UBND TP ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, đề xuất trình UBND TP xem xét, sửa đổi bổ sung trước ngày 30 - 11 - 2019. Sở TN-MT tổ chức lấy ý kiến các sở ngành có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên minh Hợp tác xã TP) về các chính sách dự kiến hỗ trợ chuyển đổi hoạt động rác dân lập lên mô hình hợp tác xã/ doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Trong đó, giao Cục Thuế TP có ý kiến đề xuất về chính sách thuế đối với hợp tác xã; Sở Giáo dục và Đào tạo có ý kiến đề xuất về miễn, giảm học phí cho con của người trực tiếp thu gom rác. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Sở ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp các quận/huyện và hợp tác xã/ doanh nghiệp thu gom rác, đại diện một số đường dây rác dân lập để hoàn thiện chính sách và trình UBND TP trước ngày 30-11-2019.
UBND TPHCM thống nhất đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025; cụ thể, giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác này. Theo đó, tập trung hoàn tất việc sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập trong 1 năm để tránh việc đầu tư lãng phí nhiều thùng rác 660 lít dẫn đến không có chỗ để và đảm bảo hiệu quả đầu tư phương tiện. Xác định số phương tiện cần chuyển đổi; triển khai chuyển đổi phương tiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong 1 năm tiếp theo. Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP ban hành nội dung chỉ đạo UBND quận - huyện về triển khai đề án chuyển đổi phương tiện; tiếp tục phối hợp với SAMCO để nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác thu gom, trung chuyển, vận chuyển chất thải. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xem xét việc cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay chuyển đổi phương tiện.
Về triển khai dự án chuyển đổi công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở ngành có liên quan khẩn trương thẩm định dự án chuyển đổi công nghệ khí hóa - các bon hóa của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam và Đề án chuyển đổi công nghệ 1.000 tấn/ngày của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP; báo cáo UBND TP kết quả thẩm định trước ngày 30-11-2019.