Theo Cục ĐKVN, kết quả nghiên cứu từ dữ liệu thực tế cho thấy: tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong vòng 1 năm chiếm tỷ lệ rất thấp (từ 0,17%-0,31%).
Trong phương án vừa trình, xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất được miễn thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu tiên.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn thực hiện lập hồ sơ phương tiện cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định, để bảo đảm dữ liệu của xe đầy đủ, phục vụ công tác thống kê, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát tra cứu dữ liệu, kiểm soát tải trọng, quản lý vận tải, thu phí tự động không dừng….
Cục ĐKVN cho biết, việc miễn kiểm định cho nhóm xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong vòng 1 năm giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí. Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi miễn kiểm định lần đầu từ 250.000-570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là, xe cơ giới sau khi đến tay người dân có thể bị tự ý thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện. Do đó, việc bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.
Để thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu, Cục ĐKVN dự kiến sẽ sớm xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.