Sáng 27-5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) sửa đổi.
Đáng chú ý, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị nên có quy định về Thư khen của Thủ tướng, Thư khen của Chủ tịch nước, Thư khen của Chủ tịch Quốc hội. Bởi Thư khen của các đồng chí lãnh đạo rất giá trị, sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn cho các đối tượng được khen tặng, do vậy nên được bổ sung vào trong dự thảo Luật.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng.
“Ngay tại Quốc hội, nếu như trong một kỳ họp, các ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Ý kiến này của ĐB Trần Hoàng Ngân được ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) rất đồng tình.
Theo ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM), Bộ Quốc phòng được giao quản lý nhà nước về dân quân tự vệ và hướng dẫn công tác TĐKT về dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật TTĐKT hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung chưa có quy định về thẩm quyền đề nghị khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ chiếm khoảng 1,45 % dân số toàn quốc.
Do đó, để tôn vinh, khen thưởng đúng thành tích, kết quả, sự hy sinh của dân quân tự vệ, đồng thời kịp thời động viên cũng như phát huy vai trò của dân quân tự vệ trong huy động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ĐB Phan Văn Xựng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào dự thảo luật thẩm quyền, trình hình thức khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ.
Đáng chú ý, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị cần có quy định tỷ lệ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở với tổng số lao động tiên tiến để đảm bảo chất lượng công tác khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan. ĐB cũng đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật quy định xét duyệt đặc cách danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” đối với nhà giáo lão thành trên 70 tuổi và các nhà giáo, quản lý giáo dục đã nghỉ hưu không còn tiếp tục giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm đến quy định khen thưởng cho ĐBQH theo nhiệm kỳ. Theo ĐB, quy định như vậy là chưa phù hợp vì nguyên tắc của khen thưởng là chính xác, công bằng, kịp thời; thống nhất hình thức khen thưởng với đối tượng, thành tích, công trạng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó.
"Nếu không đánh giá, công nhận hàng năm thì không thể bảo đảm các nguyên tắc này. Vì lẽ đó, ĐBQH kiêm nhiệm thì khen thưởng theo nhiệm kỳ đối với thành tích hoạt động tại Quốc hội và khen thưởng từng năm theo thành tích, công trạng ở chức danh công tác chính. Đối với ĐBQH chuyên trách, phải xét khen thưởng hàng năm mới bảo đảm theo dõi thành tích liên tục và thống nhất với các đối tượng khác vì đây là công việc chính của họ", ĐB Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến.
Giải trình tại phiên thảo luận, về vấn đề bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để lấy phiếu để ĐBQH lựa chọn quyết định phương án cụ thể. Các ý kiến ĐBQH đều ủng hộ bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Các ĐB đánh giá, việc tiếp thu, bổ sung tại dự thảo luật lần này đã tránh được sự so bì, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sỹ; kịp thời động viên, khích lệ lực lượng này sáng tác, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển.