Nhiều thế kỷ trước, khi thương cảng Thị Nại - Nước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn chưa bị bồi lấp, là thương cảng lớn trong khu vực, nhiều thương thuyền trên thế giới đến để giao thương, buôn bán khá sầm uất. Các thương thuyền thế giới, người Việt bản xứ và một bộ phận người Hoa ở Phúc Kiến (Trung Quốc) đã biến vùng thương cảng Thị Nại - Nước Mặn trở thành một đô thị biển lấy tên Đô thị Nước Mặn phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ XVI - XVIII. Sau nhiều thế kỷ, do biến động của địa chất, tự nhiên và chiến tranh, thương cảng Nước Mặn đã bị bồi lấp thành đất liền, người dân bản xứ chọn khu vực thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) làm chỉ dấu của thương cảng tiếng tăm thuở trước. Hàng năm cứ đến cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 (âm lịch), người dân toàn tỉnh Bình Định thường đổ đến chùa Bà (thôn An Hòa) để tham dự lễ và hội Đô thị Nước Mặn (trong 4 ngày), nhằm tưởng nhớ lại đô thị biển bậc nhất trước kia.