Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành lên 1%, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, nhiều người đang lo điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ tăng.
Trong bối cảnh đó, để đối phó với lạm phát và giảm bớt tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành. Tính từ đầu năm 2022, có 262 lượt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước. Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra rất quyết liệt và Ngân hàng Trung ương các nước rất kiên quyết để thực hiện nhiệm vụ này.
Tại Việt Nam, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của FED, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu nhằm ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nêu rõ, NHNN khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cũng tại họp báo, nói về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%. Về triển vọng kinh tế 2023, qua nhận định bối cảnh tình hình 2023 vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn. Đó là sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 vô cùng khó khăn; xung đột Nga - Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, dẫn đến lo ngại an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa; tác động của các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như bão lũ, dịch bệnh.
Với những bối cảnh trên, Bộ KH-ĐT báo cáo với Chính phủ lựa chọn một kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%.