Đề xuất khung Luật Học tập suốt đời

Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa tổ chức phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời chủ trì phiên họp.

Các em học sinh Trường Phổ thông nội trú THCS-THPT Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: PHAN THẢO
Các em học sinh Trường Phổ thông nội trú THCS-THPT Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: PHAN THẢO

Phiên họp đã khẳng định tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời và sẽ có những chính sách trọng yếu để thúc đẩy học tập suốt đời, từ đó, thấy được trách nhiệm của nhà nước, của các các tổ chức, của từng công dân. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Vũ Thị Tú Anh, mặc dù học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội nhưng hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm học tập suốt đời chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức nhà nước. Đồng thời, vấn đề này cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn.

Luật Học tập suốt đời tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng vốn con người và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay thì vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Bởi mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường của giáo dục hiện nay là môi trường mở, linh hoạt và không giới hạn.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đây là luật mới, nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành, do đó có tính phức tạp.

Thứ trưởng đề xuất việc thành lập một ban nghiên cứu về xây dựng luật riêng. Đặc biệt là việc nghiên cứu thực tế triển khai tại địa phương, tổ chức hội thảo, hội nghị để tiếp thu ý kiến của tất cả các đối tượng được điều chỉnh, thụ hưởng bởi luật này; nghiên cứu nội dung, tính khả thi, tác động của các chính sách, điều khoản với thực tế tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục