Theo đó, KTMTD là mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế, KTMTD là khu vực kinh tế đặc biệt được thành lập bởi hai hay nhiều quốc gia và khi hình thành cần có các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, tự do lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia thành viên và các chính sách khác. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có Đà Nẵng đề xuất thí điểm thành lập KTMTD đầu tiên và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, KTMTD là một công cụ quan trọng để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thí điểm KTMTD mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội, nhưng cũng cần có giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức đi kèm. Ngoài ra, theo quy hoạch thì trên địa bàn TPHCM không được quy hoạch KTMTD, nên cũng chưa có căn cứ pháp lý để thành lập KTMTD trên địa bàn TPHCM.
Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hình thành KTMTD gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy cần cân nhắc yếu tố vị trí, cạnh tranh trong việc hình thành KTMTD tại Cần Giờ.
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng nêu một số thách thức khi tham gia vào KTMTD và cho rằng để có thể tận dụng được ưu đãi của KTMTD thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có chiến lược phù hợp để phát huy tối đa cơ hội và hạn chế rủi ro từ mô hình này.
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, với quyết tâm chính trị cao trong việc hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, việc hình thành KTMTD cũng có thể được xem xét nếu bổ sung được vào quy hoạch TPHCM, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tổng thể quốc gia tại TPHCM. Ngoài ra, Viện khuyến nghị cần nghiên cứu, tham khảo thêm các tài liệu thành lập KTMTD trong nước và quốc tế để xác định chính xác và đầy đủ những thách thức mà Cần Giờ nói riêng và TPHCM phải đối mặt khi hình thành KTMTD, trước khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền.