Một trong những nội dung quan trọng trong Tờ trình số 45 /TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-3 có liên quan đến chính sách học phí của sinh viên các trường sư phạm.
Theo đó, Chính phủ cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như sinh viên các ngành khác.
Hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm. Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác cũng được sửa đổi, bổ sung là việc xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, chương trình giáo dục, coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo; phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em; đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Toàn cảnh phiên họp của UBTVQH Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục là một trọng tâm điều chỉnh của dự thảo sửa đổi, nhằm nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo; góp phần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam.
Vẫn theo Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo địa phương sẽ tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
“Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập; hoàn thiện chính sách học phí”, Tờ trình nêu rõ.
Đáng lưu ý, dự thảo luật này đã “quy định về điều lệ nhà trường thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; quy định về Giáo sư, Phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư là người giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.
ANH PHƯƠNG