Đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ: Giảm áp lực cho học sinh

Sở GD-ĐT TPHCM đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan về đề xuất không tổ chức dạy thêm sau 20 giờ. Nếu đề xuất được thông qua, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước quy định thời gian dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với học sinh, giáo viên.

Đảm bảo không quá tải học thêm

Ngày 11-4, tại buổi tập huấn triển khai phần mềm quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn TPHCM, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, sở đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để xây dựng dự thảo quy định về DTHT trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt.

P4a.jpg
Học sinh lớp 9 tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm học 2025-2026 do Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) tổ chức vào tháng 3-2025. Ảnh: MINH THƯ

Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm là đề xuất thời gian tổ chức DTHT không quá 20 giờ. Lý giải đề xuất nói trên, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nêu thực tế: “Hiện nay, TPHCM thường xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm. Sau khi kết thúc giờ học chính khóa ở trường, học sinh cần có thời gian để ăn uống, di chuyển đến các cơ sở dạy thêm. Tuy nhiên, để đảm bảo các em không quá tải học thêm, cần tính toán thời lượng học từ 1,5-2 giờ mỗi ngày và kết thúc trước 20 giờ để học sinh về nhà nghỉ ngơi, có thời gian trò chuyện với gia đình hoặc tự học tại nhà”.

Bà Lê Lệ Hằng, phụ huynh có hai con đang học lớp 4 và lớp 7 (nhà ở quận 1), kể: “Cả hai con tôi phải có mặt ở trường lúc 7 giờ 15 phút. Hàng ngày, các con thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng trước khi đến trường. Vì vậy, quy định không học thêm sau 20 giờ là phù hợp để các con có thể đi ngủ sớm, đảm bảo thời gian ngủ từ 8-9 giờ mỗi tối”.

Cũng tán thành đề xuất nói trên, Phạm Gia Hưng, học sinh lớp 8/7, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết, bản thân em có lịch học thêm đến 21 giờ, về đến nhà lúc 21 giờ 45 phút. Để hoàn thành các bài tập ở trường, em thường đi ngủ lúc 23 giờ, hôm nào bài nhiều thì có thể thức đến 1 giờ sáng. Vào các ngày học trong tuần, em phải thức dậy lúc 6 giờ sáng, nên chỉ có khoảng 5-6 giờ để ngủ. Nếu lịch học thêm kết thúc sớm hơn, em có thể đi ngủ sớm, giúp tỉnh táo vào ngày học hôm sau.

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) Huỳnh Thanh Phú, hầu hết học sinh hiện nay có nhu cầu học thêm để củng cố kiến thức, chuẩn bị tham gia các kỳ thi tuyển sinh hoặc phát triển, nâng cao kiến thức để tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, thi lấy chứng chỉ quốc tế. Quy định giới hạn thời gian học thêm sau 20 giờ là chưa tính đến nhu cầu, năng lực và hoàn cảnh cụ thể của từng học sinh. Nếu tất cả hoạt động DTHT kết thúc trước 20 giờ thì sẽ dẫn đến tình trạng các trung tâm tăng sĩ số học sinh/lớp do giảm số ca học. Điều này không chỉ ảnh hưởng chất lượng dạy và học, mà còn tạo điều kiện cho các hình thức dạy thêm “chui”, thiếu kiểm soát, đi ngược với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý.

Tăng cường dạy thêm trong nhà trường

Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhận xét, hiện nay phụ huynh và học sinh có tâm lý dựa dẫm vào các lớp học thêm, xem việc luyện giải đề thi ở lớp học thêm quan trọng hơn việc học ở trường chính khóa. Suy nghĩ này rất sai lầm bởi học ở trường mới là chính, việc tham gia các lớp học thêm chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức, làm quen các dạng đề thi tuyển sinh - điều mà ở trường chính khóa giáo viên bộ môn cũng luyện tập cho các em.

“Trước đây, ngành giáo dục bàn nhiều về quy định giới hạn thời gian sử dụng điện thoại di động của học sinh, nay có thể áp dụng tương tự với việc học thêm nhằm giúp học sinh cân bằng các hoạt động học tập. Việc giảm thời gian buộc giáo viên phải sắp xếp lại nội dung dạy học cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu sắp xếp không hợp lý, áp lực học sẽ không giảm, đòi hỏi thêm giải pháp căn cơ để giảm áp lực học tập cho học sinh”, thầy Võ Kim Bảo nêu ý kiến.

Ở góc độ khác, theo giáo viên môn Vật lý một trường THPT ở quận 3, cơ sở dạy thêm hợp pháp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của nhà nước. Việc giới hạn thời gian hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, chi phí đầu tư của các cơ sở. Từ đó, để điều tiết hoạt động, cơ sở buộc phải mở rộng địa điểm dạy học, tăng số lượng học sinh/lớp, tăng học phí. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người học, đồng thời gây quá tải cho hệ thống quản lý.

Để giảm áp lực học tập cho học sinh, một số thầy cô quản lý các trường THPT cho rằng, giảm tải chương trình chính khóa mới là giải pháp căn cơ làm giảm nhu cầu học thêm tự phát của học sinh. Theo đó, chương trình cần điều chỉnh theo hướng tinh gọn, lược bỏ nội dung hàn lâm, dàn trải, tăng thời lượng các môn học phát triển kỹ năng thực hành cho học sinh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng học sinh yếu trong nhà trường, vừa tạo thu nhập chính đáng cho giáo viên, vừa giảm nhu cầu DTHT ngoài nhà trường. Đặc biệt, việc đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, chú trọng đánh giá theo quá trình sẽ giảm áp lực thi cử, phụ huynh và học sinh giải tỏa tâm lý “học thêm bằng mọi giá”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến giữa tháng 4-2025, TPHCM có khoảng 3.000 giáo viên đăng ký dạy thêm tại hơn 1.300 cơ sở dạy thêm. Từ ngày 11-4, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai phần mềm quản lý DTHT tại địa chỉ https://dtht.hcm.edu.vn. nhằm công khai thông tin giáo viên, môn học, học phí, chương trình học, số lớp học… để phụ huynh và học sinh theo dõi, lựa chọn cơ sở dạy thêm phù hợp nhu cầu. Dự kiến, cuối tháng 4-2025, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND TPHCM ban hành quy định về quản lý DTHT trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục