Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Thảo luận tại tổ TPHCM về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị nên kéo dài thời gian giảm trong một thời gian dài, có thể kéo dài đến hết năm 2025 hoặc đến khi nào Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực. Đồng thời cần xem xét áp dụng đại trà tất cả các đối tượng chịu thuế 10% được giảm xuống 8%.
Một góc nhìn khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng thực chất là giảm thu ngân sách để kích cầu trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên phải cân nhắc bởi việc này cần có sự tổng kết về sự chuyển biến của nền kinh tế thế nào.
ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng, đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần giữ nguyên mức chịu thuế 0% như luật hiện hành thay vì là 5% như trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Bởi việc tăng thuế mặt hàng này, chính người nông dân sẽ là đối tượng chịu tác động lớn nhất, tạo áp lực lớn đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, chiều cùng ngày tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã xác định mục tiêu hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng là mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình...