Sáng 15-12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị Tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cơ bản đồng tình với một số vấn đề chính của dự thảo mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến như đề xuất xếp lương của giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp; miễn phí cho học sinh THCS; nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên cao đẳng..
Bên cạnh đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị còn phải có thang bảng lương đặc thù cho giáo viên, vì nếu “giáo viên không toàn tâm toàn ý giảng dạy thì khó bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Ông cũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện miễn học phí cho sinh viên sư phạm, cần luật hóa việc này (dự thảo không đề cập).
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc miễn học phí THCS vì sợ ngân sách nhà nước không kham nổi. Còn nếu miễn học phí THCS thì cũng phải miễn cho học sinh mầm non 5 tuổi, vì đó cũng là lớp được phổ cập.
Đáng chú ý, tại hội thảo, thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội phát biểu về vấn đề tự chủ chương trình, SGK và thay đổi định dạng hệ thống thi cử. Theo thầy, hiện chúng ta thực hiện chung một chương trình, SGK, trong khi điều kiện của từng địa phương, trình độ học sinh lại khác nhau, vì thế hiệu quả giáo dục không cao, không thực chất và không vì lợi ích của người học. Các địa phương, nhà trường, giáo viên thì không thể làm gì khác với áp lực của báo cáo.
Vì thế, thầy Đạt đề nghị cần để các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo được linh hoạt về chương trình, SGK trong khuôn khổ chương trình của nhà nước và SGK được phép phát hành. Giáo viên đứng lớp được chủ động phù hợp với trình độ học sinh, “thà dạy một điều cho học sinh biết còn hơn dạy hết các điều theo đúng chương trình mà học sinh không biết gì”.
Về thi cử thầy Đạt đề xuất giao địa phương tổ chức việc thi lấy chứng chỉ hết môn học cho học sinh. Mức độ đề thi có thể khác nhau giữa các địa phương phụ thuộc trình độ thực tế của học sinh. Theo thời gian, địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận với trình độ chung của quốc gia.
Như vậy thì sẽ loại bỏ được việc chạy theo thành tích ảo mà bỏ qua chất lượng thực chất. Học sinh thi lấy chứng chỉ quốc gia theo môn học. Bài thi tiệm cận dần với các bài thi chuẩn hóa của các nền giáo dục tiên tiến. Tiến tới sự công nhận có tính quốc tế chứng chỉ quốc gia.
Học sinh có chứng chỉ quốc gia môn học nào thì được miễn thi tốt nghiệp môn đó ở địa phương và chỉ cần hoàn thành chương trình học. Khuyến khích học sinh học vượt để lấy chứng chỉ quốc gia sớm.
Học sinh có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp ở địa phương và chứng chỉ quốc gia để dự tuyển vào ĐH-CĐ và các trường nghề. Việc xét tuyển dựa vào kết quả môn thi tốt nghiệp hay chứng chỉ quốc gia là quyền của các trường.