Theo đó, sẽ có 6 đối tượng được nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ với thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Thứ nhất, người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng.
Thứ hai, các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định được hỗ trợ 1 triệu đồng đồng/hộ/tháng.
Cả hai đối tượng này sẽ được thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.
Thứ ba, người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Thứ tư, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thứ năm, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Thứ sáu, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Đối tượng hộ nghèo, người có công được thực hiện chi trả một lần cho mức hỗ trợ của ba tháng, trong khi với các đối tượng còn lại, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện chi trả hàng tháng theo tình hình thực tế.
Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Chính sách hỗ trợ này cũng sẽ không thực hiện trong trường hợp đối tượng tự nguyện không tham gia chính sách.
Ngoài các chính sách này, Chính phủ cũng sẽ thực hiện một số chính sách hỗ trợ khác cho người sử dụng lao động. Chẳng hạn, người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất - kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng đối với từng người lao động.
Gói hỗ trợ quy mô 62.000 tỷ đồng này dự kiến bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng (dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng 19.000 - 20.000 tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019); ngân sách địa phương khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc); hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng).