Sinh viên gặp khó
Nhiều hội nhóm sinh viên đang tranh luận gay gắt về vấn đề này trên mạng xã hội. Đa số các ý kiến cho rằng giới hạn giờ làm thêm như vậy là bất cập và không khả thi với nhiều lý do, quan điểm khác nhau.
Bạn Phương Thảo (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Vấn đề giờ làm thêm của sinh viên rất khó quản lý vì đa số đều không có hợp đồng lao động, làm bao nhiêu thời gian cũng được, nhiều bạn làm thêm 12-15 giờ/ngày”.
Trong khi đó, bạn Minh Đức (sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất) bày tỏ: “Gia đình mình không có điều kiện mà chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ, tiền trọ và học phí cao. Cuộc sống sinh viên của mình sẽ bị xáo trộn, gặp nhiều khó khăn hơn nếu đề xuất này được thực thi”.
Vì vừa học vừa làm, nhiều sinh viên lựa chọn làm phục vụ bán thời gian tại các quán cà phê, quán ăn. Tuy nhiên, tiền lương theo giờ mà họ đang nhận đa phần ở mức dưới 20.000 đồng/giờ, thấp hơn so với quy định chung. Vì thế, tăng giờ làm là cách để sinh viên trang trải sinh hoạt.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Thạc sĩ Nguyễn Thiều Tuấn Long, giảng viên Khoa Xã hội học & Công tác xã hội (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho biết, chính sách không nên đồng nhất giới hạn giờ làm thêm của học sinh và sinh viên. “Thời gian học của học sinh khác hoàn toàn với sinh viên. Sinh viên học theo hệ tín chỉ với thời gian biểu linh hoạt, có thể học trước hoặc sau, miễn là sau thời gian đào tạo có thể tích lũy đủ số tín chỉ thì sinh viên đó có thể ra trường”.
Nên cân đối hợp lý thời gian học và làm thêm
Vừa học vừa làm thêm là tốt, nhưng điều đáng quan ngại là nhiều sinh viên không quản lý thời gian học và làm, từ đó cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền mà lơ là việc trau dồi kiến kiến thức chuyên môn.
Bạn Đặng Ngọc Diệp (sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Mỗi người đều có quan điểm và hướng phát triển riêng. Nhưng nếu quá chăm chú đi làm thêm mà sao nhãng việc học, thì mình nghĩ không nên. Nhiều bạn đi làm xong lấy tiền đó đóng tiền học lại”. Vì thế, nợ môn, ra trường không đúng hạn là vấn đề phổ biến của nhiều sinh viên hiện nay.
Cùng quan điểm trên, bạn Phương Thảo chia sẻ thêm: “Sinh viên phải làm nhiều bài tập nhóm. Nếu không biết cân đối thời gian học và làm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của cả nhóm”.
Còn theo bạn Đức Anh (sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội): "Mình tự đăng ký học nên có thể dồn lịch học hết buổi sáng, chiều từ 16 giờ là có thể làm thêm vào buổi tối rồi. Còn chắc chắn không nên đánh đổi đi làm bán thời gian để lấy tiền học lại, đánh đổi 20 giờ làm để đóng 1 tín chỉ học lại thì phí sức lắm”.
Thay vì nhìn vào một bức tranh lớn hơn như học đại học, đi làm cho một doanh nghiệp có tên tuổi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để thăng tiến và đạt tới ngưỡng tự do tài chính một cách bền vững, việc đi làm bán thời gian quá mức có thể khiến sinh viên rơi vào cái bẫy tài chính trước mắt với khoản thu nhập nhỏ nhưng lại ảo tưởng rằng đó đã là "tự do tài chính".
Cân nhắc tính khả thi
Thói quen văn hóa, định hướng giá trị, nhu cầu xã hội và các yếu tố tâm lý lứa tuổi - cũng là các yếu tố ẩn mà ta cần tính đến để việc học sinh, sinh viên đi làm thêm trở thành một phần khả thi của chính sách.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thiều Tuấn Long, chính sách muốn trở nên khả thi thì không nên chỉ bê những gì mà phương Tây đã làm vào trong xã hội Việt Nam vì thành công của họ chưa chắc là thành công của mình. Ngược lại, nếu bỏ qua các yếu tố thuộc về bản sắc của Việt Nam thì chính sách này sẽ chỉ là một văn bản dưới luật. Chính sách không phù hợp với người dân không chỉ gây ra khó khăn trong quản lý mà còn có thể trở thành điều kiện để các hoạt động bất hợp pháp có cơ hội "nảy nở".